Tiếp vụ 'Đại úy công an bị tố lạm quyền bắt giữ người đi mua đất': Vì sao chần chừ thụ lý giải quyết đơn tố cáo?

(PLVN) - Trong khi Cơ quan điều tra (CQĐT) của VKSND Tối cao vào cuộc một cách khá khẩn trương thì sau hơn 4 tháng, Công an TT Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) vẫn chần chừ, chưa thụ lý giải quyết đơn tố cáo của ông Phạm Quý Hùng (SN 1975, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về việc bị Đại úy Phạm Quốc Hưng cùng một số công an TT Dương Đông đánh đập, giữ người trái phép…
Trụ sở Công an TT Dương Đông - nơi ông Hùng tố cáo bị công an đánh đập, giữ người trái phép

Đánh người hay không, đang chờ kết luận của CQĐT VKSND Tối cao

Như PLVN đã thông tin, Đại úy Phạm Quốc Hưng cùng một số Công an TT Dương Đông đã bị ông Phạm Quý Hùng tố cáo có hành vi bắt, đánh đập và giữ ông trái phép tại trụ sở vào đêm 30 và sáng 31/10/2018, sau khi ông đến nhà bà Nguyễn Thị Hòa để đòi lại 2 tỷ đồng tiền đặt cọc mua đất. 

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an TT Dương Đông cho biết: “Sau khi xảy ra vụ việc được ít ngày, một Đoàn cán bộ của CQĐT  VKSND Tối cao gồm 4 người (1 Trưởng phòng và 1 Phó phòng) đã về đơn vị xác minh vụ việc xem có việc bắt, giữ người trái pháp luật, xem có đánh người hay không đánh. Về phía đơn vị, chúng tôi đã yêu cầu các cán bộ liên quan giải trình thì đều nói không đánh. Nhưng đấy là giải trình của người bị tố cáo, còn đánh hay không thì chúng tôi phải chờ kết luận của CQĐT VKSND Tối cao”.

Cũng theo ông Chánh thì các cán bộ của CQĐT đã làm việc với nhiều đơn vị, cá nhân có liên quan và bản thân ông Chánh cũng được các cán bộ này lấy lời khai.

Giải thích về sự vào cuộc của CQĐT VKSND Tối cao như trên, Luật sư  (LS) Nguyễn Anh Tuấn (Cty TNHH Luật Trường Lộc) cho biết, theo quy định tại Điều 163 BLTTHS 2015 thì CQĐT VKSND Tối cao có chức năng điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của BLHS xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Trong vụ việc này, có việc Đại úy Hưng và một số cán bộ công an trấn áp, còng tay và dẫn giải, giữ ông Hùng tại trụ sở công an. Đây là chuỗi hành vi xảy ra trong quá trình công an xác minh, giải quyết tin báo tội phạm (của bà Hòa) nên có thể được coi là hoạt động điều tra. Vì vậy, nếu công an bị tố  “dùng nhục hình” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn giữ người trái pháp luật” thì CQĐT VKSND Tối cao vào cuộc xác minh, điều tra là đúng thẩm quyền. 

Liệu có việc đùn đẩy trách nhiệm?

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công an huyện Phú Quốc cho biết, ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Hùng, vào ngày 31/10, lãnh đạo Công an huyện đã giao Trưởng Công an TT Dương Đông giải quyết vụ việc vì Đại úy Hưng là cán bộ công an TT. Sau đó, Công an TT Dương Đông đã có Quyết định thụ lý giải quyết đơn tố cáo”.

Tuy nhiên, khi trao đổi  với phóng viên vào ngày 1/3/2019, Trung tá Lê Minh Chánh cho hay: “Chúng tôi vẫn chưa thụ lý đơn tố cáo. Quyết định thụ lý đơn mới chỉ là dự thảo, đã soạn thảo sẵn trong máy tính. Chỉ cần ông Hùng đến làm việc là chúng tôi ký Quyết định thụ lý ngay”. 

Giải thích về việc gần 4 tháng trôi qua, Công an TT vẫn không thụ lý giải quyết đơn tố cáo như trên, Trung tá Chánh nói: “Theo quy định, trong vòng 10 ngày thì anh (tức người có đơn tố cáo- PV) phải đến làm việc trực tiếp để xem còn giữ nguyên nội dung tố cáo hay không, có thay đổi nội dung tố cáo hay không. Luật cho phép chúng tôi có 10 ngày để tiếp xúc với người tố cáo trước khi ra quyết định thụ lý. Chúng tôi đã gửi thông báo nhưng đến nay vẫn chưa thấy ông Hùng đến làm việc. Tôi cũng gọi điện theo số điện thoại ở đơn mấy lần nhưng cũng không được. Vì vậy, nên chúng tôi chưa thụ lý đơn. Cũng có thể ông Hùng đã gửi đơn đến CQĐT VKSND Tối cao rồi nên cũng không đến đây nữa”.

Phản bác ý kiến trên, ông Phạm Quý Hùng khẳng định: “Sau khi gửi đơn tố cáo Đại úy Hưng, tôi không hề nhận được giấy mời hay điện thoại của Công an TT Dương Đông mời đến làm việc. Do không thấy động tĩnh gì từ phía công an địa phương nên tôi đã có đơn đến lãnh đạo Bộ Công an và  vẫn giữ nguyên nội dung tố cáo trước đây. Việc Công an TT Dương Đông cứ yêu cầu tôi vào làm việc thì mới giải quyết đơn tố cáo là cố tình gây khó dễ cho tôi”.

Đánh giá về lý do chưa thụ lý đơn tố cáo mà đại diện Công an TT Dương Đông đưa ra, LS Nguyễn An Tuấn cho biết, Điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Tố cáo 2012 quy định về việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo như sau: “Khi nhận được tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm phân loại và xử lý như sau: Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo”. Điều 8 Thông tư 12/2015/TT-BCA (quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân) cũng quy định: “Sau khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền của mình thì người giải quyết tố cáo phải tổ chức kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ người tố cáo và các nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Tố cáo để quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết”. Như vậy, nội dung quy định trên không hề yêu cầu người có đơn tố cáo phải đến cơ quan giải quyết tố cáo để làm việc xem có thay đổi nội dung tố cáo hay không. Điều này đồng nghĩa với việc Công an TT Dương Đông đã tự ý đưa ra thêm thủ tục, gây khó dễ cho người tố cáo cũng như gây nghi ngờ về sự đùn đẩy, né tránh, bao che cho cấp dưới?

Theo LS Tuấn, ngay trước khi nhận được đơn tố cáo thì Công an TT Dương Đông đã lập biên bản, xử phạt hành chính ông Hùng 200 ngàn đồng. Rõ ràng, Công an TT đã phải biết rõ về họ, tên, địa chỉ ông Hùng và biết ông Hùng là một người có thật thì mới có thể ra quyết định xử phạt. Vì vậy, khi nhận được đơn tố cáo của ông này thì cũng không cần thủ tục xác minh tên, địa chỉ nữa.

Tuy nhiên, LS Tuấn cũng nhấn mạnh, Điều 20 Luật Tố cáo quy định rõ: “Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, nếu có yêu cầu”; Trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo, nếu xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, tổ chức nhận được tố cáo có trách nhiệm chuyển hồ sơ, tài liệu và những thông tin về vụ việc tố cáo đó cho CQĐT hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong vụ việc này, không hiểu tại sao Công an TT Dương Đông lại chần chừ, không thực hiện theo quy định tại Điều 20 nêu trên là thụ lý giải quyết đơn tố cáo theo thời hạn, hoặc chuyển cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết vụ việc?

Đọc thêm