UBND quận Hoàn Kiếm nói gì?
Như PLVN đưa tin, bà Lê Êlêna chú tại số nhà 11A Tông Đản, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội có đơn tố cáo UBND quận Hoàn Kiếm đã cố tình bao che cho việc hoạt động kinh doanh chăm sóc da, thẩm mỹ Sapphire spa của bà Nguyễn Ngọc Huyền Trang (SN 1978, trú tại Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội) trái quy định của pháp luật.
Sau khi nhận được phản ánh, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm để làm rõ nội dung này. Tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, ông Đoàn Quang Cường – Phó trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm cho biết, UBND quận đã nhận được đơn phản ánh của bà Lê Êlêna và đã kiểm tra cơ sở của bà Trang tổng cộng 9 lần.
Theo ông Cường, qua những lần kiểm tra tại cơ sở của bà Trang thì không phát hiện thấy cơ sở này hoạt động trái quy định như trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCN ĐKKD) theo nội dung đơn tố cáo của bà Lê Êlêna nên không thuộc đối tượng thu hồi GCN ĐKKD.
Không chỉ có vậy, ông Cường còn cho rằng việc cấp GCN ĐKKD của bà Trang đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bà Trang đã có giấy đề nghị và thẻ căn cước công dân để xin cấp GCN ĐKKD tại địa chỉ số 11A Tông Đản, Phòng kinh tế quận Hoàn Kiếm cũng đã đi hậu kiểm và cấp GCN ĐKKD cho bà Trang.
Về PCCC tại cơ sở của bà Trang, ông Cường cho rằng cơ sở của bà Trang thiếu tiêu lệnh chữa cháy còn bình cứu hỏa đã trang bị đầy đủ. Về việc tạm trú, tạm vắng đối với các nhân viên tại cơ sở kinh doanh của bà Trang, UBND quận cũng đã yêu cầu công an phường kiểm tra và thực hiện việc này.
Đối với nội dung cả GCN ĐKKD lần đầu và thay đổi lần 1 không có mã ngành nghề, ông Cường cho rằng mã ngành nghề áp dụng đối với các doanh nghiệp còn bà Trang hoạt động theo hình thức kinh doanh nhỏ lẻ thì không nhất thiết phải có mã. Việc này nếu cần thiết thì có thể bổ sung sau.
Nói về nội dung tại sao xác định số nhà 11A là “biệt thự” chứ không phải là nhà tập thể, ông Cường lý giải trong danh mục của UBND TP Hà Nội có xác định địa chỉ số 11A Tông Đản là Biệt thự nên UBND quận Hoàn Kiếm áp dụng cơ sở kinh doanh của bà Trang là “biệt thự”.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi đó là danh mục nào của UBND TP Hà Nội thì vị Phó phòng Kinh tế UBND quận Hoàn Kiếm lại không thông tin cụ thể và hẹn phóng viên sẽ cung cấp thông tin này sau.
Lý giải vì sao bà Lê Êlêna gửi đơn tố cáo phòng Kinh tế của UBND quận có dấu hiệu bao che cho cơ sở kinh doanh của bà Trang đã lâu, vi phạm Luật tố cáo, ông Cường “thay mặt” UBND quận trả lời rằng “UBND quận vẫn đang phối hợp với công an quận và công an phường để lấy thêm thông tin rồi sẽ phản hồi lại”.
Kết thúc buổi làm việc với phóng viên, ông Cường khẳng định nếu như có văn bản thể hiện việc số 11A Tông Đản là nhà chung cư UBND quận Hoàn Kiếm sẽ thu hồi GCN ĐKKD của bà Trang.
Nhầm lẫn khái niệm?
Như PLVN đưa tin, UBND phường có văn bản gửi lên UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất thu hồi GCN ĐKKD của bà Trang nhưng UBND quận đã bác bỏ đề xuất này nên ngày 20/6/2018, Phòng Kinh tế UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với UBND phường Tràng Tiền kiểm tra cơ sở của bà Trang và nhận thấy thực trạng biển số nhà 11A Tông Đản là nhà 4 tầng (1 tầng hầm, 3 tầng nổi), địa điểm kinh doanh của bà Trang nằm ở tầng 2. Căn cứ vào tài liệu bà Trang cung cấp là giấy phép kinh doanh spa, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), Hợp đồng thuê nhà nên Phòng Kinh tế UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng sổ đỏ số nhà 11A là "biệt thự".
Theo sổ đỏ mà bà Trang cung cấp thì diện tích mà mà Trang sử dụng là của ông Trần Quang Vinh và bà Trịnh Hoàng Anh (mẹ ông Quang). Biệt thự số 11A Tông Đản có diện tích sử dụng chung là 346,5m2 nhưng phần diện tích sử dụng riêng của ông Vinh và bà Hoàng Anh chỉ có 47,7 m2. Diện tích này là căn hộ tầng 2 của một ngôi nhà kiểu biệt thự được xây dựng từ thời Pháp.
Theo thông tin từ cư dân sinh sống trong số nhà 11A Tông Đản thì sổ đỏ ngôi nhà được cấp năm 2005. Nhưng, cư dân ở đây thì sinh sống từ rất lâu, gồm nhiều hộ gia đình cư trú từ thời điểm năm 1956. Số nhà 11A có khoảng 12 hộ dân sinh sống tại đây nên phần diện tích sử dụng chung và riêng rất rõ ràng. Do đó, nói về kiểu kiến trúc thì có thể gọi ngôi nhà là “biệt thự” (kiểu kiến trúc biệt thự) còn về công năng sử dụng thì ngôi nhà này là khu tập thể (chung cư) chứ không phải là nhà ở đơn lẻ của một hộ gia đình.
Trong sổ đỏ ngôi nhà cũng xác định rõ phần sở hữu chung và phần sở hữu riêng. Mỗi hộ gia đình được sử dụng riêng đối với phần sở hữu riêng, đối với phần sử dụng chung, việc đưa ra làm kinh doanh rõ ràng là có vấn đề.
Việc sử dụng khái niệm về kiến trúc (kiểu nhà biệt thự) để chỉ một ngôi nhà có nhiều hộ gia đình đang sử dụng chung hạ tầng, không gian (nhà tập thể, chung cư) không phải là nhà ở riêng lẻ, lãnh đạo Phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm đang sử dụng nhầm khái niệm hay cố ý bao biện cho việc đã làm không đúng pháp luật?
Theo quy định của Luật nhà ở năm 2014, tại Khoản 3 Điều 3 Chương I có giải thích, nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở.
Cũng theo khoản 16 của Điều 3 Chương I thì phần sở hữu chung của nhà chung cư là phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và các thiết bị sử dụng chung cho nhà chung cư đó theo quy định của Luật này.
Như vậy, tại số nhà 11A Tông Đản theo xác định của UBND quận Hoàn Kiếm thì thực trạng biển số nhà 11A Tông Đản là nhà 4 tầng (1 tầng hầm, 3 tầng nổi) và theo thông tin của cư dân ở đây thì trong số nhà 11A Tông Đản có khoảng 12 hộ dân sinh sống có khu vực sở hữu chung và riêng rõ ràng nên có thể xác định là nhà chung cư vì phù hợp với Luật nhà ở năm 2014.
Như vậy, những lời lý giải của vị Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm trả lời Báo PLVN vẫn chưa thực sự được xác đáng. Đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cần xác minh, làm rõ những tố cáo của các hộ dân sinh sống tại địa chỉ số 11A Tông Đản để có biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm an ninh, tránh gây bức xúc trong dân.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin./.