Tiếp vụ “DN kêu cứu vì bị ngâm hồ sơ ĐTM”: Dựa vào quy định không còn hiệu lực để từ chối hồ sơ

(PLVN) - Không chỉ bị cho là đã diễn giải “méo mó” các quy định pháp luật, Tổng cục Môi trường (TCMT) còn bị tố viện dẫn văn bản đã hết hiệu lực pháp luật để từ chối hồ sơ ĐTM đối với Dự án Nhà máy sản xuất vải sơ mi cao cấp Việt Nam tại KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên khiến nhà đầu tư cũng như dư luận hoang mang.
Tiếp vụ “DN kêu cứu vì bị ngâm hồ sơ ĐTM”: Dựa vào quy định không còn hiệu lực để từ chối hồ sơ

Viện dẫn văn bản đã bị bãi bỏ

Sau khi loạt bài phản ánh một số bất thường xung quanh việc TCMT từ chối thông qua hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Nhà máy sản xuất vải sợi sơ mi cao cấp Việt Nam (Dự án) tại KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên được đăng tải, ngày 22/2/2019, TCMT có Văn bản số 645 gửi Báo PLVN làm rõ một số nội dung liên quan. 

Theo nội dung văn bản phản hồi, TCMT không giải thích rõ vì sao cơ quan này làm không đúng Quy chế tiếp nhận xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế của Bộ TN&MT, không thông qua Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả mà liên tiếp có 2 văn bản gửi trực tiếp cho doanh nghiệp để yêu cầu Công ty TNHH Interweave Holding hoàn thiện hồ sơ. Trong văn bản gửi Báo PLVN, TCMT chỉ nói quá trình thẩm định hồ sơ đã đảm bảo đúng yêu cầu về thời gian theo quy định. 

Liên quan ngành nghề được phép đầu tư vào KCN Sông Công II, nội dung trong công văn gửi Báo PLVN không có gì khác so với ý kiến của đại diện TCMT trong buổi làm việc với phóng viên Báo PLVN trước đó, rằng: Các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN Sông Công II “không có công đoạn nhuộm”, có định mức sử dụng nước lớn.   

Nói về sự phù hợp với quy hoạch, văn bản của TCMT dẫn giải: Quyết định số 3218 ngày 11/4/2014 của Bộ trưởng Công thương về việc phê duyệt quy hoạch ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 thì chỉ: Tiếp tục phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm tại các KCN Thụy Vân, Trung Hà, Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), KCN Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên); đồng thời phát triển các nhà máy may tại các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn. Căn cứ vào quyết định này, TCMT cho rằng dự án không phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. “Với các thông tin nêu trên, việc phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án tại KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên là chưa đủ cơ sở pháp lý”, văn bản TCMT nêu. 

Điều đáng nói là TCMT căn cứ vào Quyết định 3218 của Bộ Công thương làm cơ sở pháp lý để từ chối hồ sơ ĐTM của Dự án không chỉ làm nhà đầu tư hoang mang mà còn gây ngạc nhiên đối với các cơ quan quản lý nhà nước khác bởi quyết định này đã bị Bộ Công Thương bãi bỏ từ năm 2018. 

Cụ thể, sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành, ngày 27/12/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương có Quyết định số 4977 về việc bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể theo điểm d, khoan 1, Điều 9 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Quyết định được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký có hiệu lực từ ngày ban hành, tức ngày 27/12/2018. Trong danh mục các quyết định quy hoạch ngành bị bãi bỏ theo Quyết định 4977 mà Bộ Công Thương ban hành có Quyết định số 3218 phê duyệt quy hoạch ngành Công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà TCMT đang căn cứ vào để từ chối hồ sơ ĐTM của Công ty TNHH Interweave Holding tại KCN Sông Công II. Bởi vậy doanh nghiệp này cho rằng, tính đến ngày 27/12/2018, Quyết định số 3218 đã bị bãi bỏ nhưng trong Văn bản số 17 ngày 3/1/2019 TCMT gửi Công ty TNHH Interweave Holding thông báo trả hồ sơ để hoàn thiện lại báo cáo ĐTM của Dự án. Đến ngày 22/2/2019, văn bản trên tiếp tục được TCMT viện dẫn để trả lời Báo PLVN. 

Nhiều vấn đề cần được làm rõ

Theo phản ánh của doanh nghiệp cũng như tìm hiểu của PV, trong vụ việc trên có nhiều vấn đề cần được làm rõ. Cụ thể, trong ĐTM của Dự án này từng được Bộ TN&MT phê duyệt khi doanh nghiệp đầu tư vào KCN Bá Thiện II, Vĩnh Phúc, vấn đề xử lý nước thải của dự án được Bộ này cho phép doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn nước thải đạt cột A trước khi thải ra môi trường. Nhưng khi dự án chuyển địa điểm đầu tư lên Thái nguyên, TCMT lại nhất quyết yêu cầu doanh nghiệp phải đấu nối xả thải vào hệ thống xử lý nước thải của KCN Sông Công II. Từ đó cơ quan này đưa ra yêu cầu được cho là gây cản trở dự án này đầu tư vào KCN Sông Công II khi buộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên làm thủ tục điều chỉnh lại hồ sơ ĐTM chung của cả KCN Sông Công II thì Dự án sản xuất vải sơ mi cao cấp Việt Nam thì mới được xem xét thông qua. 

Trở lại với báo cáo ĐTM của dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt bằng Quyết định số 2559 ngày 16/8/2018, trong các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN này có ngành “hoàn thiện sản phẩm dệt”. Theo Quyết định số 27 ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, thì “hoàn thiện sản phẩm dệt” được quy định mã ngành 1313-13130 và nhóm “hoàn thiện sản phẩm dệt” có nhuộm vải dệt.  

Trong khi theo Quyết định số 7157 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 ngày 26/11/2012, tại mục 4.7.1, Bộ Công Thương quy định: Kêu gọi đầu tư dự án sản xuất sợi, dệt, nhuộm hoàn tất và trung tâm thiết kế, phát triển mẫu mốt tại Thái Nguyên. Phía doanh nghiệp cho rằng với những dẫn chứng nêu trên, KCN Sông Công II hoàn toàn đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành để thu hút Dự án Nhà máy sản xuất vải sơ mi cao cấp Việt Nam. Và, những lý do mà TCMT đưa ra để từ chối hồ sơ của Dự án vào KCN này là không có cơ sở do diễn giải các quy định của pháp luật có sai lầm và các quyết định mà cơ quan này đưa ra viện dẫn đã không còn hiệu lực pháp luật. 

Đọc thêm