Tiếp vụ Dự án Sân golf Thuận Thành: Chưa đủ cơ sở để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư

(PLVN) - Liên quan đến Dự án Sân golf Thuận Thành, ngoài những vướng mắc về vấn đề đất đai mà Bộ Tài chính đã cảnh báo, năng lực tài chính của Liên doanh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Hudland (Cty Hudland) và Công ty Cổ phần Tư vấn và Thương mại Thăng Long (Cty Thăng Long) cũng được cho là khó đủ khả năng đáp ứng để thực hiện dự án...
Tiếp vụ Dự án Sân golf Thuận Thành: Chưa đủ cơ sở để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư

Báo cáo tài chính kiểm toán của Cty Hudland tại thời điểm 30/6/2019 cho thấy, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (DN) là 418 tỷ đồng (trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 200 tỷ là cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết; quỹ đầu tư phát triển là 80,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 137,2 tỷ đồng). 

Tài sản ngắn hạn của DN này là 641,7 tỷ đồng. Nợ phải trả của Cty Hudland tại thời điểm kiểm toán là 359,6 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn là 314,27 tỷ đồng (chiếm 87,4% nợ phải trả); nợ phải trả dài hạn là 45,4 tỷ đồng; bất động sản đầu tư là 78 tỷ đồng. 

Bộ Tài chính cho rằng việc đầu tư, kinh doanh của DN chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay, trong khi công ty đang phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán công nợ lớn (nợ phải trả chiếm gần 50% tổng cộng nguồn vốn, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn). “Điều này dẫn đến rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết đảm bảo huy động vốn đầu tư thực hiện dự án”, Bộ Tài chính nhấn mạnh. 

Không những thế, hàng tồn kho, khoản nợ ngắn hạn và khoản phải thu của Hudland cũng bị đánh giá là tương đối lớn. Điều này cho thấy DN đang bị chiếm dụng vốn, khả năng thanh toán phụ thuộc lớn vào công tác thu hồi công nợ và công tác bán hàng tồn kho, có thể ảnh hưởng đến dòng tiền để thực hiện dự án. 

Cũng theo Bộ Tài chính, ngoài việc đầu tư cho tài sản cố định, đầu tư hoạt động tài chính kinh doanh, vốn chủ sở hữu của Hudland còn phải tiếp tục đầu tư cho các dự án dang dở. Song hồ sơ DN cũng chưa thuyết minh rõ đơn vị sử dụng vốn góp để thực hiện dự án này hay kinh doanh các ngành nghề khác. Vì vậy chưa có cơ sở để xem xét, đánh giá về năng lực tài chính của Hudland.

Trong khi đó, với Cty Thăng Long, đối chiếu báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2017 và 2018, Bộ Tài chính thông tin: Tại thời điểm ngày 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của DN này chỉ là 87,3 tỷ đồng (trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 100 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 12,6 tỷ đồng...); nợ phải trả là 5,18 tỷ đồng, không có nợ dài hạn. Tài sản ngắn hạn chỉ đạt 57,2 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn cũng chỉ là 33,7 tỷ đồng.

Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018, Thăng Long không phát sinh doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thậm chí, năm 2018 kinh doanh thua lỗ 917 triệu, lỗ lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2018 là 12,7 tỷ.

Từ các vấn đề trên cho thấy, Thăng Long đang bị đánh giá là mất vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp; ngoài ra DN này cũng đang bị chiếm dụng vốn ngắn hạn lớn, chiếm 60% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là cho các cổ đông của Thăng Long vay với mức lãi suất 0%/năm. “Những điều này cho thấy rủi ro của Thăng Long trong việc huy động vốn thực hiện dự án”, Bộ Tài chính đánh giá. 

Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính cho rằng, hiện chưa có cơ sở đưa ra ý kiến đánh giá về khả năng đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu thực hiện dự án, năng lực tài chính của Liên danh nhà đầu tư.

Do đó, Bộ này đề nghị cơ quan đăng ký đầu tư yêu cầu nhà đầu tư bổ sung báo cáo về danh mục các khoản đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết và phương án huy động vốn làm cơ sở để cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, đánh giá việc đáp ứng điều kiện quy định về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

“Trên cơ sở đó, cơ quan đăng ký đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định theo dõi và giám sát việc đáp ứng điều kiện quy định về vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính của nhà đầu tư theo đúng quy định”, Bộ Tài chính kiến nghị.

Đọc thêm