Tiếp vụ “hai cú đá chết người” tại Thanh Hóa: Nhiều mâu thuẫn khi thực nghiệm điều tra

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong giai đoạn tỉnh Thanh Hóa đang hạn chế tiếp xúc và chỉ cho tập trung dưới 10 người tại nơi công cộng nhưng cơ quan điều tra vẫn tổ chức thực nghiệm điều tra mà không cần sự có mặt của bị can, với một hiện trường mới. Việc thực nghiệm này bị bị can đánh giá là vi phạm, không khách quan, vì có nhiều tình tiết xa lạ và đưa ra kết luận mâu thuẫn với cơ quan giám định.
Theo ông Tuấn, trên đường ông Hiền về nhà đã không phải bò, trườn qua mương nước hoặc ao trát xi măng nào.
Theo ông Tuấn, trên đường ông Hiền về nhà đã không phải bò, trườn qua mương nước hoặc ao trát xi măng nào.

Không thể đa chấn thương sau một cú ngã

Như PLVN đã từng thông tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn và VKSND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã cáo buộc Võ Ngọc Tuấn (SN 1970, ngụ xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn) đá ông Lê Cảnh Hiền hai cái sau khi phát hiện ông này trộm cắp vịt của gia đình vào đêm 30/8/2019, tại cánh đồng thôn Đô Thịnh (xã An Nông).

Cụ thể, bị can Tuấn đã đá 1 cái trúng vào vùng cổ và 1 cái trúng vào vùng miệng của ông Hiền khiến nạn nhân ngã vào bờ mương bê tông. Ông Hiền bị tổn thương sưng nề tụ máu nặng cùng cổ trên nền bệnh rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, suy hô hấp dẫn đến hôn mê. Quá trình hôn mê, nạn nhân xuất hiện phản xạ nhai, nuốt, thở dẫn đến trào ngược thức ăn vào đường thở nên tử vong.

Ngay trong giai đoạn điều tra, bị can Tuấn đã cho rằng mình bị oan sai và khai rõ về việc, sau khi bị đá, ông Hiền đã đứng dậy đi về nhà. Nhưng sau đó đã có hai người cởi trần, đi xe máy đuổi theo ông Hiền. Vì vậy cần làm rõ hai người này có tiếp tục đánh ông Hiền, gây đa chấn thương như trong kết luận giám định đã mô tả hay không.

Cụ thể là các thương tích như vết bầm tụ máu 6,5x4,5cm vùng dưới núm vú phải; vết rách da đuôi mắt phải (4x2cm); vết rách ra cung đuôi mày phải (5x1cm); Vết thương rách da 3x2cm và vết bầm giập, sưng nề vùng môi dưới; vết bầm tím vùng cổ trước đến vùng cổ bên trái; vết sưng nề, bầm tím vùng cằm dưới; vết sưng nề, bầm tụ máu vùng hố mắt phải; gẫy răng số 1 hai bên hàm trên; vết xây xước da vùng má phải; vết xước da mặt trong đùi phải, mặt ngoài giữa đùi phải và mặt ngoài đầu gối trái…

Trao đổi với PV, LS của bị can Tuấn cho rằng, việc quy kết ông Tuấn gây ra toàn bộ vết thương trên là vô lý và mâu thuẫn với hồ sơ vụ án, với kết luận giám định (KLGĐ).

Theo đó, cơ quan giám định khẳng định những vết thương trên cơ thể nạn nhân do vật tày tác động. Nhưng CQĐT đã tiến hành thực nghiệm điều tra để kết luận những vết vùng cằm, vùng mặt và mắt phải của nạn nhân là do ngã vào bờ mương; là vật có bờ cạnh sắc chứ không phải vật tày.

Ao xi măng bỗng xuất hiện ở hiện trường vụ án?

Liên quan đến việc thực hiện thực nghiệm điều tra, bị can Tuấn từng có đơn khiếu nại cho rằng, CQĐT tổ chức thực nghiệm điều tra vào ngày 18/9/2021; thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên bị can lẫn LS bào chữa đều đề nghị tạm hoãn để chờ hết giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, Điều tra viên (ĐTV) Hà Văn Duy vẫn tiến hành thực nghiệm điều tra và cho người khác “đóng thế” bị can Tuấn. Đáng nói, việc thực nghiệm này lại được tiến hành ở cánh đồng thôn Vĩnh Yên, xã An Đông; chứ không phải là nơi xảy ra vụ án.

Theo LS bào chữa cho bị can Tuấn, việc thực nghiệm này không chỉ làm mất quyền bào chữa cho bị can mà còn có dấu hiệu vi phạm tố tụng, khi cho diễn lại hành vi không đúng như hiện trường và không đúng lời khai của bị can.

Đơn cử, trong các lời khai của bị can (và tại KLĐT, cáo trạng sau này) đều thể hiện sau khi bị đá ngã, ông Hiền đã đi lên đường bê tông phía xưởng gỗ nhà bị can Tuấn. Còn hiện trường thể hiện từ vị trí này về nhà ông Hiền chỉ là đường bê tông mà không phải đi qua ao hay mương nước bê tông nào. Tuy nhiên, khi thực nghiệm điều tra, ĐTV vẫn ghi nhận việc bị hại phải “bò trườn từ khu ao qua mặt mương trát bằng xi măng - cát sang ruộng lúa và từ ruộng lúa lên mặt thành mương”.

Từ mô tả này, LS phân tích, không hiểu bị hại bò, trườn qua mặt mương khi nào mà xuất hiện được các vết xước da vùng đùi và đầu gối? Vì sao ao xi măng bỗng nhiên xuất hiện ở hiện trường vụ án?

Hơn nữa, KLGĐ đã khẳng định vết xước ở vùng đùi, đầu gối là do vật tày tác động gây nên. Vì sao ĐTV vẫn cho thực nghiệm để có thể khiến người khác hiểu rằng nhằm “định hướng” ngược lại rằng, đây là vết chà xát do bị hại bò trườn gây nên.

Cũng theo LS, việc thực nghiệm điều tra như trên mang tính hời hợt vì chỉ mô tả cú đá của bị can, cú ngã của bị hại mà không chứng minh rõ lực của cú đá này có gây ra được vết thương sưng nề, bầm tím vùng cổ được hay không?

Việc kết luận bị hại ngã sang phải gây ra nhiều vết rách ra vùng môi dưới, gẫy răng hàm trên, vết thương cùng cằm, đồng thời gây ra được vết rách ra vùng đuôi mắt phải, đuôi cung mày phải, hố mắt phải và vùng ngực phải là không hợp lý. Với vô số vết thương ở các vị trí khác nhau như trên thì bị hại phải bị tác động rất nhiều lần chứ không thể do một cú ngã. Không thể quy kết toàn bộ thương tích là do cú ngã vào bờ mương (là nơi có cạnh sắc) gây ra. Và KLGĐ đã kết luận vết thương này là do vật tày gây nên?

Trong một diễn biến khác, bị can Tuấn cho biết, bản thân bố đẻ ông Hiền khi chứng kiến những thương tích trên người nạn nhân cũng bức xúc cho rằng việc đánh người này là rất tàn bạo, không thể do hai cú đá của ông Tuấn gây nên. Sau đó, gia đình nạn nhân đã có đơn đề nghị CQĐT mở rộng điều tra để làm rõ việc nguyên nhân của những thương tích này, làm rõ còn những ai liên quan đến cái chết của nạn nhân.

Mới đây, bị can Tuấn cũng đã có đơn tố cáo, cho rằng ĐTV Hà Văn Duy có dấu hiệu làm sai lệnh hồ sơ vụ án, bỏ lọt tội phạm, không khởi tố, truy tố người có tội…

Hiện Công an huyện Triệu Sơn đã thụ lý giải quyết đơn tố cáo này và giao Đội Tổng hợp tiến hành xác minh, kết luận.

Thực nghiệm điều tra khi đang có khuyến cáo “giữ khoảng cách 2m” phòng dịch

Phân tích về buổi thực nghiệm ngày 18/9/2021, LS cho rằng, thời điểm đó, toàn tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện các biện pháp phòng dịch theo Quyết định 3604/QĐ-UBND ngày 14/9 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, người dân được đề nghị hạn chế ra khỏi nhà; chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết; hạn chế tiếp xúc với người khác, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp… Ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, không tập trung quá 10 người tại khu vực công cộng. Khi thực hiện các hoạt động ngoài trời, yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người khi tiếp xúc.

Như vậy, việc thực nghiệm điều tra trên đã không tuân thủ khuyến cáo “hạn chế tiếp xúc” và “khoảng cách 2m” trong phòng chống dịch. “Bản thân bị can và LS tuân thủ quy định này thì lại không được tham gia, không được có ý kiến trong quá trình thực nghiệm điều tra, dẫn đến việc thực nghiệm điều tra có nhiều chi tiết sai lệch so với lời khai của bị can, sai lệch so với hiện trường”, LS nói.

Đọc thêm