Tiếp vụ khu vui chơi giải trí “vi phạm Luật Đê điều” tại Nghệ An: Hướng giải quyết nào “gỡ vướng” cho nhà đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dự án quần thể vui chơi giải trí ven sông Lam tại phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An quy hoạch trên diện tích 13.716,06m2 đã được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng, khi triển khai thi công thì bị ngành nông nghiệp đình chỉ vì vi phạm Luật Đê điều. Qua tìm hiểu, quá trình triển khai dự án hé lộ nhiều bất cập đã gây ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư.
Dự án khu vui chơi giải trí đang có nhiều tranh cãi khiến doanh nghiệp bị đình chỉ thi công dù đã được cấp phép.
Dự án khu vui chơi giải trí đang có nhiều tranh cãi khiến doanh nghiệp bị đình chỉ thi công dù đã được cấp phép.

Quan điểm của Tổng cục và tỉnh “vênh” nhau

Như PLVN đã phản ánh, dự án trên do Cty CP đầu tư phát triển Vinh Hưng làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 tại Quyết định 386 ngày 24/1/2017; Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết số 53 ngày 7/1/2020. Trước đó, Sở TN&MT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH537629 tháng 10/2017.

Trước khi dự án được cấp phép xây dựng ngày 5/5/2021 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị chấp thuận cho phép tháo dỡ tường chắn từ K93+ 705 đến K93+729 đê Tả Lam để thi công nút giao đấu nối đường nhánh dự án vào QL46C.

Trước đề nghị trên, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT - Bộ NN&PTNT) chưa chấp thuận bởi “theo hồ sơ Tổng cục PCTT nhận được, vị trí dự án nằm ở ngoài đê Tả Lam. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, làm rõ sự phù hợp của dự án với quy định tại Điều 26 Luật Đê điều. Tổng cục chỉ xem xét việc đấu nối đường nhánh của dự án với đê Tả Lam khi dự án đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều”.

Ngày 16/8/2021, UBND tỉnh có Văn bản 5875 do ông Hoàng Nghĩa Hiếu ký tiếp tục đề xuất việc chấp thuận mở rào chắn như đã đề xuất trước đó, cho rằng: “Khu vực đề xuất xây dựng dự án nằm ngoài tuyến đê Tả Lam hiện tại và nằm trong tuyến đê Tả Lam cũ, không ngập nước trong mùa mưa lũ, không phải là bãi sông theo quy định của Luật Đê điều nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 26 Luật Đê điều; ngoài ra, việc xây dựng dự án sẽ không ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ sông Lam”.

Bên cạnh đó, ngày 16/8/2021, Sở Xây dựng Nghệ An đã cấp Giấy phép số 74 cho dự án với tổng diện tích 13.713,8m2, trong đó diện tích công trình xây dựng 1.639,1m2, cao hai tầng tại vị trí đê Tả Lam. Tuy nhiên, quá trình triển khai, ngày 25/11/2021 và 01/12/2021, Hạt Quản lý đê Vinh phát hiện và lập biên bản vi phạm pháp luật về lĩnh vực đê điều và thiên tai với hành vi vi phạm xây dựng công trình trên bãi sông, vi phạm Điều 26 Luật Đê điều, Điều 21 Nghị định 104/2017/NĐ-CP. Đồng thời đình chỉ xây dựng công trình, buộc chủ đầu tư khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Chưa có hướng giải quyết?

Có thể thấy hai ý kiến nêu trên có độ “vênh” nhất định giữa UBND tỉnh Nghệ An và Tổng cục PCTT.

Giải thích từ ngữ bãi sông theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Đê điều như sau: “Bãi sông là vùng đất có phạm vi từ biên ngoài hành lang bảo vệ đê điều trở ra đến bờ sông”.

Đối chiếu khoản 4 Điều 26 về sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng đảm bảo các điều kiện: ngoài phạm vi bảo vệ đê điều; tuân theo quy hoạch phòng chống của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất… việc xây dựng công trình không được làm giảm quá trình giới hạn cho phép của lưu lượng lũ thiết kế, không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của khu vực lân cận... Sau khi lập dự án đảm bảo các điều kiện thì trình Bộ NN&PTNT thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Trả lời PLVN, Sở Xây dựng Nghệ An cho rằng việc cấp phép xây dựng trên không vi phạm Luật Đê điều và cấp có cơ sở pháp lý. Một trong cơ sở được đưa ra là dựa trên kiến nghị của Sở NN&PTNT tại Văn bản 2084, khu vực đề xuất dự án nằm phía ngoài đê Tả Lam hiện tại và nằm phía trong đê Tả Lam cũ, không ngập nước trong mùa lũ, không phải là bãi sông theo quy định Luật Đê điều nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 26 Luật Đê điều. Ngoài ra, việc xây dựng dự án không ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ sông Lam.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng lại không trích dẫn câu cuối của Văn bản 2084 có nội dung: “Sở NN&PTNT Nghệ An đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Tổng cục PCTT xem xét, giải quyết”. Bởi vì dự án được cấp phép xây dựng cùng ngày UBND tỉnh có văn bản gửi Tổng cục PCTT xin ý kiến. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng không cho biết có hay không phản hồi của Tổng cục PCTT cho UBND tỉnh Nghệ An để từ đó cấp phép xây dựng cho dự án?

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, cho biết Chi cục đã gửi văn bản, chụp ảnh, quay camera toàn bộ khu vực dự án tới Tổng cục PCTT. Thời gian tới sẽ mời Tổng cục xem xét trực tiếp tại dự án để xem xét đưa ra quyết định.

Việc chậm trễ và “vênh” nhau của các cơ quan chức năng nêu trên đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như thiệt hại của DN vì bị đình chỉ thi công dự án trong thời gian qua.

Đọc thêm