Đào tạo trọng tài bóng rổ xong rồi... để đó?
Theo thông báo mới nhất số 244/TB-VBF vào ngày 11/6/2019 về việc tổ chức khóa đào tạo, kiểm tra cấp Bằng chứng nhận trọng tài quốc gia, Liên đoàn bóng rổ Việt Nam đã triệu tập 61 học viên. Khóa học có các nội dung bồi dưỡng lý thuyết, kiểm tra kiến thức và thể lực cùng ngoại ngữ dùng để phân loại và đào tạo trọng tài quốc tế đã được khai mạc vào ngày 22/7/2019 tại Trường Đại học Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, hầu hết những trọng tài, giới chuyên môn đều hoài nghi về “số phận” của các học viên tham gia khóa đào tạo này. Bởi lẽ theo tài liệu phóng viên thu thập được, tháng 3/2017, VBF đã từng ra thông báo toàn quốc về việc tổ chức khóa đào tạo và thi phong cấp cho trọng tài bóng rổ tại 2 địa điểm là TP Hồ Chí Minh (từ ngày 22 đến ngày 24/3/2017) và Hà Nội (từ ngày 26 đến ngày 28/3/2017).
|
Mặc dù báo cáo rất hoành tráng nhưng đến nay VBF vẫn chưa phong cấp cho các học viên tốt nghiệp khóa đào tạo trọng tài |
Danh sách khóa đào tạo này có 27 học viên đăng ký tại khu vực TP Hồ Chí Minh và 26 học viên đăng ký tại khu vực Hà Nội với mức lệ phí tham gia khóa học là 700.000 đồng/người. Các khóa học đều được thông báo các tiêu chí xét phong cấp trọng tài cấp 1, cấp 2 quốc gia và rất nhiều các trọng tài đã hoàn thành các tiêu chí này. Các học viên cũng được Ban tổ chức khóa đào tạo và các giảng viên thông báo là sau khóa học VBF sẽ phong cấp trọng tài theo các tiêu chí và kết quả kiểm tra.
Sẽ không có gì đáng nói nếu các hoạt động trên được diễn ra bình thường và các học viên được phong cấp đầy đủ. Tuy nhiên cho đến nay đã hơn 2 năm, những “lời hứa” của Ban Tổ chức và các giảng viên đã thành “dĩ vãng”, việc phong cấp và công nhận trọng tài cấp quốc gia kể trên vẫn không được tiến hành, không có bất cứ một trọng tài nào tham gia khóa học trên được phong cấp trọng tài mặc dù họ tham gia theo thông báo chính thức của VBF, có nộp lệ phí, có tham gia kiểm tra. Vậy điều gì đang xảy ra ở Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam?
Chậm “chuẩn hóa”, chậm cả lời giải thích
Đi sâu vào tìm hiểu, phóng viên đã liên hệ với một số thành viên trong Ban Tổ chức, giảng viên, một số học viên ở cả hai khu vực thì nhận được những câu trả lời rất mông lung về “số phận” của các học viên tham dự khóa đào tạo vào năm 2017. Theo đó, mặc dù trong báo cáo của VBF về công tác năm 2017 có đề cập đến khóa đào tạo này, nêu rõ số lượng trọng tài được đào tạo và thi phân cấp nhưng thực tế thì những dòng báo cáo này “chỉ mang tính chất minh họa”.
|
Cùng tham gia khóa đào tạo của VBF nhưng “số phận” của các học viên lại trái ngược nhau |
Trao đổi với phóng viên, một số thành viên trong Ban tổ chức khóa đào tạo và thi phân cấp trọng tài năm 2017 cho biết, sau khi hoàn thành khóa học, họ đã gửi toàn bộ hồ sơ của các học viên về cho VBF và đề nghị phong cấp. Tuy nhiên một số học viên thì cho biết, kể từ ngày kết thúc khóa học, họ không nhận được bất cứ quyết định, thông báo hay thông tin gì từ VBF về việc có phong cấp cho họ hay không.
Phóng viên đã liên hệ với ông Đặng Hà Việt (Phó Chủ tịch VBF) - người đã đại diện VBF ký các thông báo triệu tập học viên tham gia khóa đào tạo trọng tài năm 2017, để làm rõ sự việc. Theo ông Đặng Hà Việt, khóa đào tạo năm 2017 khi đó do ông tổ chức, tuy nhiên sau đó ông thôi giữ chức Tổng thư ký VBF nên việc này đã bàn giao lại cho tân Tổng thư ký là ông Lê Hoàng Anh. Nói rõ hơn về lý do các học viên tham gia khóa đào tạo năm 2017 không được phong cấp, ông Hà Việt cho rằng khóa học đó do các giảng viên, trọng tài của Việt Nam giảng dạy, theo kiểm “cơm chấm cơm”, đại khái là ta tự dạy nhau. Còn khóa học mới tổ chức gần đây thì đã được “chuẩn hóa”, có mời trọng tài của Liên đoàn Bóng rổ quốc tế (FIBA) về giảng dạy, đó là sự khác biệt giữa hai khóa đào tạo.
Khi được hỏi về việc các học viên đã đóng tiền, hoàn thành khóa đào tạo và thi phân cấp trọng tài năm 2017, họ đã hoàn thành các yêu cầu cả về trình độ và tài chính đối với VBF, vậy “số phận” của họ sẽ ra sao? Liệu công sức, thời gian và tiền bạc của họ bỏ ra có được ghi nhận, ông Đặng Hà Việt cũng không đưa ra được phương hướng cụ thể, chỉ nói sẽ trao đổi lại với Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VBF Lê Hoàng Anh, trước mắt sẽ xem xét việc cấp bằng, giấy chứng nhận của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam cho họ, còn việc phong cấp trọng tài thì chưa thể nói trước được.
Một khóa học chuyên môn của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, có thông báo toàn quốc, có thu phí, có học, có thi nhưng đến nay công sức của các học viên lại không được công nhận. Vậy VBF hay cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc công sức của các học viên “đổ sông đổ biển”, các khoản thu lệ phí liệu có được hoàn trả lại khi VBF “thất hứa” với chính các học viên, trọng tài của mình? Những câu hỏi trên đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng từ phía VBF.
Chúng tôi sẽ còn tiếp tục trở lại vụ việc.