Tiếp vụ lãnh đạo Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát bị “tố” lừa đảo: Cục quản lý lao động ngoài nước gửi “trát” đến doanh nghiệp

(PLVN) - Trong diễn biến mới nhất liên quan đến việc hàng loạt người xuất khẩu lao động sang Slovakia kêu cứu, ngày 8/7/2019, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm đã có văn bản số 97-/QLLĐNN- PCTTr yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát giải quyết khiếu nại theo trình tự để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Người lao động và tấm danh thiếp của ông Hòa
Người lao động và tấm danh thiếp của ông Hòa

Theo đó, Cục quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) , thuộc Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, đã nhận được đơn khiếu nại của 2 lao động là B.V.R và N.V.T quê ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Nội dung đơn thư phản ánh việc 2 anh này cùng 26 lao động đã nộp số tiền là 8000 USD/người vào địa chỉ của công ty Vĩnh Cát tại số 9 ngõ 39 Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy, Hà Nội để sang làm việc tại Slovakia. Sau khi xuất cảnh sang Slovakia làm việc tại công ty TATRAVAGO’NKA, tiền lương và các chế độ khác của người lao động không như cam kết, dẫn đến phải về nước.

Qua khiếu nại, 2 lao động trên xuất cảnh vào ngày 2/3/2019. Tuy nhiên, Phiếu trả lời đăng ký hợp đồng của Cục QLLĐNN cấp cho công ty và chủ sử dụng lao động TATRAVAGO’NKA vào ngày 17/5/2019. Như vậy công ty đã đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trước khi có sự chấp thuận của Cục QLLĐNN.

Công ty Vĩnh Cát chỉ được phép đưa người lao động sang Slovakia làm việc từ ngày 17/5/2019
Công ty Vĩnh Cát chỉ được phép đưa người lao động sang Slovakia làm việc từ ngày 17/5/2019

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, Cục QLLĐNN yêu cầu công ty báo cáo việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Slovakia, kiểm tra xác minh khiếu nại của người lao động; thực hiện giải quyết đơn khiếu nại theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều 17, Khoản 3 Điều 19 và các điều từ 20 đến 25 của Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo.

Kèm với đó, công ty này cũng phải báo cáo bằng văn bản việc giải quyết đơn khiếu nại nêu trên gửi Cục QLLĐNN trước ngày 16/7/2019.

“Giám đốc rởm” và chiêu “ve sầu thoát xác”

Như đã phản ánh trong các số báo trước, bà Lê Hồng Vân, người tự xưng là “Giám đốc” công ty Vĩnh Cát đã đưa “trót lọt” 28 lao động đã xuất cảnh sang Slovakia để làm việc. Thực tế, bà Vân không phải là “Giám đốc” như đã xưng mà chỉ giữ chức vụ Trưởng phòng Thị trường Trung Đông và các thị trường khác. Bà Vân sinh năm 1977 và tốt nghiệp Cử nhân Luật kinh tế. Bà Vân đã bị ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc công ty Vĩnh Cát ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 01/05/2019.

Nguyên nhân việc bà này bị cho nghỉ việc là vi phạm thỏa ước lao động và nội quy lao động của công ty. Bà này cũng không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của điều 126  Bộ luật Lao động.

Sau nghỉ việc tại Công ty Vĩnh Cát, bà Vân nhanh chóng đầu quân cho Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực ABC
Sau nghỉ việc tại Công ty Vĩnh Cát, bà Vân nhanh chóng đầu quân cho Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực ABC

Ngay sau khi nghỉ việc tại công ty Vĩnh Cát, vị “giám đốc rởm” này nhanh chóng “đầu quân” cho Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực ABC tại địa chỉ 79 Thiên Hiền, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Và thật bất ngờ, số nhà 9, ngõ 39 Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy, nơi vốn là một cơ sở hoạt động của công ty Vĩnh Cát nhanh chóng được treo biển của Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực ABC, với hoạt động xuất khẩu lao động, tư vấn du học, đào tạo nghề, ngoại ngữ và giới thiệu việc làm.

Số 9 ngõ 39 Phạm Tuấn Tài hiện tại treo biển của công ty ABC
Số 9 ngõ 39 Phạm Tuấn Tài hiện tại treo biển của công ty ABC

Trước kiến nghị của người lao động, bà Vân cho hay “mọi thắc mắc của người lao động, tôi đã giao cho ông Hòa giải quyết. Người lao động muốn đòi quyền lợi thì đến gặp ông Hòa”.

Với hành động “phủi tay” trên, đại diện người lao động bức xúc: “Cách đây 3 tháng, bà này ra sức “dỗ” ngon ngọt với rằng bà ta dẫn 28 người xuất khẩu sang Slovakia là lượt đầu tiên của công ty Vĩnh Cát. Bà còn ra sức thanh minh rằng đã tư vấn cho chúng tôi rất kỹ về mức lương và các khoản phụ cấp trong khi không biết vì sao công ty TATRAVAGO’NKA trừ nhiều khoản trong bảng lương của chúng tôi như thế”.

Theo bảng lương mà người lao động tại Slovakia gửi báo PLVN, tổng thu nhập 1 tháng của 1 lao động là khoảng 600-700 EUR/tháng. Lao động N.V.M có bảng lương 2 tháng liên tiếp là 584 EUR, 744 EUR. Lao động P.Đ.H có mức lương 3 tháng liên tiếp là 682 EUR, 539 EUR, 765 EUR.

Bảng lương của lao động P.Đ.H
Bảng lương của lao động P.Đ.H 

Anh L.V.T cho biết: “Sau khi trừ toàn bộ “tô”, lương của người lao động chỉ còn lại 11-13 triệu. Mức lương quá thấp so với những gì tư vấn ở Việt Nam. Trong khi đó, những người đi làm tăng ca thì phải tự bắt và trả tiền taxi để đi làm chứ không được công ty đưa đón. Do bất đồng về ngôn ngữ nên chúng tôi không biết làm sao để có thể tới công ty bằng phương tiện công cộng”.

Bảng lương chỉ 682 EUR/tháng của lao động P.Đ.H
Bảng lương chỉ 682 EUR/tháng của lao động P.Đ.H

Sau đây là chia sẻ của người lao động đang làm việc tại Slovakia:

Khi mọi giấy tờ đều có tên “Vĩnh Cát”

Sau khi báo PLVN đăng tải kiến nghị của người lao động, ngày 02/7/2019, công ty Vĩnh Cát có văn bản gửi báo PLVN trong đó khẳng định, 2 lao động làm đơn kiến nghị là B.V.R và N.V.T quê ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng giao dịch với một số cá nhân để ký hợp đồng lao động trực tiếp với chủ sử dụng Slovakia sang làm việc cho họ theo hợp đồng cá nhân.

 
Bà Vân, áo trắng tiễn người lao động tại sân bay Nội Bài
Bà Vân, áo trắng tiễn người lao động tại sân bay Nội Bài
Công ty Vĩnh Cát khẳng định không ký hợp đồng với họ, không có hồ sơ của họ và không thu bất cứ khoản tiền nào của họ để họ đi làm việc tại nước ngoài. Cùng với đó, công văn này khẳng định, sau khi người lao động về nước, được biết ông Hòa làm việc tại công ty Vĩnh Cát nên đã đến công ty để trình bày, viết bản tường trình và nhờ công ty can thiệp giúp đỡ.
Trong công văn này, công ty Vĩnh Cát cũng khẳng định “công ty hay bất cứ tổ chức nào không có trách nhiệm quản lý nhân viên 24/24 về mọi hoạt động của họ. Công ty chỉ giám sát hữu hạn trong nhiệm vụ được giao trên cơ sở hợp đồng và thỏa ước lao động đã ký với công ty. Nhân viên phải chịu mức kỷ luật từ bồi thường thiệt hại, cảnh cáo đến buộc thôi việc nếu vi phạm hợp đồng, nội quy lao động hoặc hành vi lợi dụng danh nghĩa công ty để trục lợi bản thân. Mọi hành vi của nhân viên sẽ có pháp luật ràng buộc, điều chỉnh và kiểm soát”.
Phiếu thu tiền mặt ghi rõ lý do nộp tiền thi tuyển công ty Vĩnh Cát
Phiếu thu tiền mặt ghi rõ lý do nộp tiền thi tuyển công ty Vĩnh Cát

Xuất hiện thêm các “nạn nhân” mới

Khi những kiến nghị của những lao động đã xuất cảnh sang Slovakia làm việc chưa được giải quyết thì  một số trong loạt 20 lao động khác chưa được xuất cảnh nhưng cùng đợt được tư vấn, đào tạo chứng chỉ hàn với 28 lao động nói trên bất ngờ xin rút tiền đặt cọc.

Anh T.H.K quê ở xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cho hay, anh K quyết định đòi lại tiền “cọc” 3000 USD đã nộp cho ông Phạm Văn Kim, người môi giới cho 6 lao động tại huyện Vĩnh Bảo tại địa chỉ số 9, ngõ 39 Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy, Hà Nội. Được biết, trước đó, ông Kim nộp lại khoản tiền trên cho ông Hòa, bà Vân. Để đòi lại tiền, anh K đã nhiều lần lên địa chỉ số 9, ngõ 39 Phạm Tuấn Tài để gặp ông Hòa trình bày hoàn cảnh, trong đó lần gần đây nhất là vào cuối tháng 6/2019 vừa qua.

“Quá trình tôi đi học hàn cùng với anh R và anh T cũng tiêu tốn của gia đình gần 2000 USD nhưng tôi quyết định đòi lại tiền “cọc” vì được anh em ở Slovakia báo tin rằng sang đó không có việc làm. Tôi không hiểu sao mình lại bị trừ mất 1000 USD một cách oan uổng trong khi chưa “lăn tay” để làm visa”, anh K mếu máo kể lại.

Mới đây khoảng 18 lao động còn lại trong đợt với 28 lao động đã xuất cảnh nhận được thông báo triệu tập có đóng dấu đỏ của công ty Vĩnh Cát. Thông báo này ghi rõ: “căn cứ tiến độ thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại Slovakia đã được Cục QLLĐNN thẩm định, công ty Vĩnh Cát thông báo triệu tập 18 lao động đã trúng tuyển đơn hàng Slovakia vào 8h30’ sáng thứ 3 ngày 29/5/2019 tại văn phòng công ty với địa chỉ số nhà 48TT11B Khu đô thị mới Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội” để hoàn thiện thủ tục cho hoạt động xuất cảnh.

Văn bản triệu tập các lao động cùng đợt được đào tạo và tư vấn với 28 lao động đã xuất cảnh

Văn bản triệu tập các lao động cùng đợt được đào tạo và tư vấn với 28 lao động đã xuất cảnh

“Chúng tôi nhận được thông báo qua zalo do ông Hòa gửi nên đã tiếp tục lên công ty Vĩnh Cát tại địa chỉ Khu đô thị mới Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông để hoàn thiện các hồ sơ còn lại”, một người lao động cho biết. 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm