Tiếp vụ lấy đất khu tập thể xây chung cư mới tại Hà Nội: Nhiều hộ rơi vào cảnh không còn nơi ở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Liên quan đến vụ lấy đất khu tập thể xây chung cư mới tại Hà Nội bị khiếu nại nhiều năm như PLVN phản ánh, hiện người dân tại Khu tập thể Liên hiệp Thủy lợi 1 và Khu tập thể Vật tư Thủy Lợi (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) không còn nơi trú ngụ bởi ngôi nhà sinh sống từ hàng chục năm qua đã bị cưỡng chế, phá dỡ.
Một số hộ dân tại 2 khu tập thể trao đổi sự việc với phóng viên.
Một số hộ dân tại 2 khu tập thể trao đổi sự việc với phóng viên.

Việc cấp giấy chứng nhận cho Cty OLECO còn thiếu sót

Trước đó như PLVN đã phản ánh, người dân tại 2 Khu tập thể (KTT) trên có đơn gửi các cơ quan chức năng cho rằng có một số vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất (GCN) cho Cty OLECO.

Ngày 30/3/2017, Thanh tra Hà Nội có Văn bản 934/TTTP(P4) xác định, hồ sơ cấp GCN cho Cty OLECO không có báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất; hiện trạng khu đất tại thời điểm xét cấp GCN của Cty đang tồn tại 2 dãy nhà tập thể với 10 hộ dân đang ăn ở, sinh sống; nhưng khi thụ lý hồ sơ, Sở TN&MT chưa kiểm tra thực tế hiện trạng sử dụng đất mà chỉ căn cứ báo cáo của Cty để cấp GCN diện tích 1.540m2 là có thiếu sót. Đây là dự án xây nhà chung cư cao tầng, chủ đầu tư phải tiến hành thoả thuận với người dân.

Thanh tra cũng xác định, Cty OLECO có trách nhiệm kế thừa, giải quyết các tồn tại trước đây, trong đó có việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án. Yêu cầu Cty OLECO căn cứ chính sách bồi thường, hỗ trợ hiện hành để có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cụ thể cho các hộ dân đang ở trên đất.

Cty OLECO sau đó khởi kiện ra tòa. Ngày 11/10/2021, TAND Thanh Trì đưa vụ kiện “đòi quyền sử dụng đất và tài sản trên đất” giữa nguyên đơn Cty OLECO và bị đơn là một số người dân tại hai KTT.

Qua các lần xét xử, các cấp Toà án đã xác định nhà và đất thuộc quyền sử dụng của Cty OLECO, trong đó có dãy nhà tập thể mà nhiều hộ dân đang sinh sống.

Các hộ dân tiếp tục có đơn đề nghị tạm dừng thi hành án, đồng thời có đơn đề nghị kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm và gửi đến UBND TP Hà Nội khiếu nại việc cấp GCN cho Cty OLECO là trái luật.

Tại buổi tiếp công dân ngày 21/9/2022, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét nội dung kiến nghị của các công dân, tạo điều kiện cho các hộ có chỗ ăn ở, sinh hoạt trong thời gian các cơ quan chức năng xem xét giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, ngày 28/10 cơ quan chức năng thẩm quyền huyện Thanh Trì đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ nhà của người dân theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Cả nhà mỗi người nương nhờ một nơi

Ông Nguyễn Thanh Đông, bà Lê Thị Hoa cho biết, sau khi bị cưỡng chế, phá dỡ căn nhà mà gia đình đã sinh sống hàng chục năm qua; gia đình ông bà rơi vào cảnh không còn nhà để ở. Hiện cả nhà mỗi người nương nhờ ở một nơi.

Được biết, mẹ của ông Đông là cụ Vũ Thị Khuyên, Mẹ Việt Nam Anh hùng; hai liệt sĩ Nguyễn Văn Bắc và Nguyễn Quốc Hương đã hi sinh tại chiến trường miền Nam chính là anh trai và em trai của ông. Hiện tại, không chỉ vợ ông là bà Hoa mắc bệnh cao huyết áp, xương khớp dẫn đến gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân, mà bản thân ông Đông cũng mang nhiều bệnh trọng.

“Sau khi bị cưỡng chế, do không còn nhà để ở, gia đình tôi phải sống trong cảnh ở nhờ, vợ chồng một nơi, con cái một nơi và điều đau đáu nhất trong tôi là không còn nơi nào thờ cúng bố mẹ, tổ tiên, anh và em trai là liệt sĩ. Tôi cũng thương 3 cháu nhỏ của mình, đứa 5 tuổi, 2 đứa còn lại mới được 6 tháng, còn đỏ hỏn nhưng nhà cửa nay không còn”, ông Đông nói.

Hiện vợ chồng ông Đông, bà Hoa mong có một nơi ở ổn định để thờ cúng tổ tiên, đảm bảo cuộc sống.

Cùng bị cưỡng chế, phá dỡ nhà như gia đình ông Đông là hộ bà Nguyễn Thị Quý (nhà số 2, KTT Liên hiệp Thuỷ lợi 1). Hiện 8 người trong gia đình phải đi ở nhờ nhà người thân, quen.

Trước khi bị cưỡng chế, bà Quý đã có đơn xin được hoãn thi hành án, nhưng không được chấp nhận. Trong 3 tháng gần đây, do mắc bệnh nan y nên bà Quý nhiều lần phải cấp cứu, nhập viện điều trị, theo bà trình bày.

Tại hai KTT này, còn 8 hộ dân khác cho hay đang ngày đêm phải sống trong cảnh lo sợ, trước việc thời gian tới có thể bị cưỡng chế phá dỡ nhà, khiến họ không có nơi trú ngụ.

Bà Phạm Thị Thu (nhà số 6 KTT Liên hiệp Thuỷ lợi 1) cho biết, hiện đã 70 tuổi, chồng đã mất, giờ sống một mình do cả 2 con gái đều lấy chồng xa, không thể thường xuyên thăm nom chăm sóc. “Nếu giờ căn nhà của gia đình bị cưỡng thế phá dỡ, tôi không biết ôm di ảnh chồng đi đâu”, bà nói.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Khang (nhà số 16, KTT vật tư Thuỷ lợi) cho biết, gia đình có 8 người, năm sắp hết, tết sắp đến; nếu căn nhà đang ở bị cưỡng chế phá dỡ thì cả nhà “bơ vơ”./.

Đọc thêm