Vị đại diện 15% vốn nhà nước phát biểu rất “hăng” trong ĐHĐCĐ lần 2 nhưng tại ĐHĐCĐ bất thường này thì không thấy đâu, kể cả lúc biểu quyết... |
Cuộc họp này được thực hiện sau khi có khuyến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Ngay sau khi khai mạc, các cổ đông nắm 62,47% cổ phần (nhóm cổ đông lớn) đã lên án gay gắt Hội đồng quản trị (HĐQT) vì thái độ xem thường họ, bởi tất cả nội dung đưa ra nghị sự hoàn toàn không có gì mới, những nội dung này đã bị nhóm cổ đông lớn phủ quyết từ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên lần 2 hồi tháng 7.
Một điều khuất tất của ĐHĐCĐ bất thường lần này là sự vắng mặt của 3/7 thành viên HĐQT và Kế toán trưởng công ty. Bốn thành viên HĐQT có mặt tại đại hội thì chia làm 2 phe đối lập nhau. “Chúng tôi đã tín nhiệm trao cho họ tài sản của mình nhưng họ đã xem thường chúng tôi. Sự vắng mặt của 3/7 thành viên HĐQT và Kế toán trưởng cho thấy họ trốn tránh trách nhiệm, quay lưng trước sự sống còn của Công ty. Mất đoàn kết trong HĐQT tất yếu đẩy PNC đến bờ vực phá sản”, cổ đông Đặng Nguyên Thảo bức xúc.
Chính bởi những bức xúc tích tụ lâu ngày như vậy, ĐHĐCĐ bất thường đã trở thành cuộc “luận tội” HĐQT. Hàng loạt câu hỏi chất vấn được đặt ra: Tại sao Chủ tịch HĐQT mượn 2,3 tỷ đồng của Công ty mà không thông qua ĐHĐCĐ? Tại sao thù lao của Chủ tịch HĐQT mỗi năm 1 tỷ đồng nhưng cổ đông hoàn toàn không biết? Tại sao HĐQT và Ban Tổng Giám đốc chi hơn 30 tỷ để đầu tư hàng loạt nhà sách mới trên toàn quốc nhưng không cần nghị quyết của ĐHĐCĐ, nhập 14 bộ phim về cũng không ai biết?...
Đề nghị kiểm toán lại Báo cáo kiểm toán
Sự mất đoàn kết của HĐQT và sự vô hiệu của Ban Kiểm soát Công ty được chính ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - thành viên HĐQT chứng minh: “Công ty PNC Media - một thành viên của PNC - lỗ 2 tỷ đồng, chính bản thân tôi mới biết được kết quả kinh doanh của đơn vị này cách đây 3 ngày. Còn hợp đồng 600 ngàn USD giữa PNC và CGV là hợp đồng gì, tôi yêu cầu Tổng Giám đốc báo cáo nhưng đến nay bản thân tôi và toàn thể cổ đông trong hội trường này hoàn toàn không biết. Nếu là hợp đồng đúng pháp luật thì tại sao không công bố để cho thấy sự minh bạch của lãnh đạo công ty?”.
“Khối u” vốn góp của PNC tại CGV tiếp tục là chủ đề nóng tại đại hội bất thường. Các cổ đông một lần nữa yêu cầu HĐQT khẳng định lại hiện PNC có 10% hay 20% vốn góp trong CGV, làm rõ vì sao thông cáo chung giữa CGV và PNC thì PNC sở hữu 20% vốn góp trong CGV nhưng báo cáo kiểm toán năm 2014 do Công ty Kiểm toán DTL thực hiện lại chỉ kiểm toán 10%?
“Tôi yêu cầu mời một Công ty kiểm toán độc lập khác kiểm toán lại Báo cáo kiểm toán 2014 của Công ty Kiểm toán DTL, nếu kết quả kiểm toán giống kết quả của DTL thì chi phí kiểm toán này hoàn toàn do cá nhân tôi chịu. Nếu kết quả kiểm khác so với DTL thì chi phí và trách nhiệm HĐQT phải chịu” – cổ đông Nguyễn Tuấn Quỳnh phát biểu.
Vì sao đại diện 15% vốn nhà nước “lặng thinh”
Kết cục của “cuộc chiến” mang tên ĐHĐCĐ bất thường: 100% biểu quyết chọn Công ty Kiểm toán A&C kiểm toán lại Báo cáo tài chính 2014 và 2015; 62,47% đồng ý bãi nhiệm toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm soát; 37,53% không đồng ý.
Vấn đề đặt ra là vì sao 100% đã biểu quyết yêu cầu kiểm toán lại Báo cáo tài chính, tức 100% không tin vào những thông tin mà HĐQT đưa ra nghị sự, thế nhưng các cổ đông chiếm 37,53% cổ phần vẫn giao tài sản cho HĐQT quản lý?
Câu trả lời nằm ở cổ đông nhà nước. Trong 37,53% này thì phần vốn nhà nước chiếm 15%, do Tổng Công ty Liksin làm đại diện. Tuyệt nhiên, từ đầu đến cuối đại hội, vị đại diện vốn nhà nước không một lời phát biểu, nhiều người còn thấy vị này bỏ về giữa chừng. Phải chăng vì vốn nhà nước nên “mặc kệ nó”? 22,53% còn lại được chia đều cho 5 thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát, họ đương nhiên không bỏ phiếu chống lại chính mình.
Theo quy định hiện hành, phải đủ tỷ lệ 65% cổ phần biểu quyết đồng ý bãi nhiệm HĐQT thì mới được nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua. Do vậy, vấn đề bãi nhiệm HĐQT và Ban Kiểm soát của PNC có thể phải đợi đến khi có nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp mới. Từ đây đến đó, lại tiếp tục là chuỗi ngày bê bối của PNC...
Nghị quyết của ĐHĐCĐ bất thường phủ quyết 6/7 nội dung, gồm:
(1) Tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014; (2) Mục tiêu kinh doanh năm 2015; (3) Báo cáo tài chính năm 2014 được kiểm toán; (4) Tờ trình bổ sung thêm chức năng kinh doanh; (5) Tờ trình về việc tiếp tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ; (6) Tờ trình thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát.