Chưa hết tập sự… vẫn khám và kê đơn thuốc
Theo phản ánh, bác sĩ (BS) Lê Hoàng Thắng mới trúng tuyển vào BVMTN ngày 01/10/2018, đang trong thời gian tập sự, chưa có chứng chỉ hành nghề đã ngang nhiên khám bệnh, kê đơn thuốc cho nhiều bệnh nhân từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2019, trong đó có nhiều trẻ em.
BS Thắng còn được cho phép thực hiện dịch vụ trên máy siêu âm và trả lời kết quả trên phiếu siêu âm có sẵn chữ ký của BS có tên là Ngàn. Thậm chí, phiếu siêu âm còn không có chữ ký chỉ định của bác sĩ điều trị và không ghi ngày, tháng, năm trả lời kết quả siêu âm.
Trong khi đó, theo quy định, điều kiện một BS có quyền tham gia khám chữa bệnh thì phải có thời gian tập sự, thời gian thực hành khám chữa bệnh bởi một BS hướng dẫn và được cấp giấy chứng chỉ hành nghề theo Nghị định 109/2016 của Chính phủ.
Theo nội dung đơn thư tố cáo, tại Kết luận số 1006/KL-SYT của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã thừa nhận, việc người dân tố cáo BS Lê Hoàng Thắng mới được tuyển dụng tại BVMTN, chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn ký đơn thuốc là có căn cứ. Theo đó, BS chuyên khoa định hướng Lê Hoàng Thắng được phân công làm việc tại phòng khám của Bệnh viện và do BS chuyên khoa II Đỗ Quang Thọ kèm cặp, hướng dẫn. Trong quá trình khám bệnh cho bệnh nhân khi bệnh nhân ở phòng khám đông và thấy cần thiết phải giải quyết nhanh chóng nên có tự ý ký kê đơn và ký vào đơn thuốc ngoại trú cho một vài bệnh nhân.
Tuy nhiên, phản ánh đến Báo PLVN, người dân cho rằng kết luận của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa rõ ràng và có dấu hiệu bao che cho vi phạm của cả BS và lãnh đạo BVMTN. “BS Thắng đã khám bệnh, kê đơn thuốc không chỉ cho một, hai bệnh nhân như kết luận của Sở Y tế, mà cho nhiều bệnh nhân từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2019, trong đó có nhiều bệnh nhân là trẻ em. Bên cạnh đó, để sự việc này có thể diễn ra, phải có cả trách nhiệm của lãnh đạo. Bởi vì BS Thắng không thể tự ý khám, kê đơn cho bệnh nhân mà phải có sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện. Thanh tra là để chỉ ra ai đúng, ai sai và tùy theo mức độ để xử lý, vì vậy cần xác định chính xác những người có trách nhiệm liên quan để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân được an toàn nhất” - một người dân bức xúc.
Nhiều ca phẫu thuật phải thực hiện lại ở tuyến trên
Cũng theo đơn thư phản ánh, BVMTN có nhiều ca phẫu thuật mắt bằng phương pháp phaco không thành công khiến cho các bệnh nhân phải chuyển về Bệnh viện Mắt Trung ương phẫu thuật lại, có bệnh nhân có thể bị mù vĩnh viễn. Điều này đã gây bức xúc không chỉ cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà còn khiến dư luận hoang mang. Do đó, một số bệnh nhân đã có đơn gửi Sở Y tế và các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, kết luận của Sở Y tế Thái Nguyên lại cho rằng nội dung tố cáo không có cơ sở?
Một BS chuyên ngành nhận định: “Việc mổ bằng phương pháp phaco không thành công là do chẩn đoán trước mổ chưa đúng, chỉ định phương pháp phẫu thuật sai, trình độ phẫu thuật tay nghề còn yếu kém, thiếu kinh nghiệm. Trong mổ, nếu để sót chất nhân có thể gây viêm màng bồ đào sau mổ, điều trị sau mổ (hậu phẫu) nếu không chu đáo, thiếu trách nhiệm với bệnh nhân có thể dẫn đến hậu quả bị mù. Còn nhiễm trùng “viêm mủ nội nhãn” sau mổ là phải kiểm tra công tác chống nhiễm khuẩn của bệnh viện”.
Được biết, ngày 3/7/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 2584/UBND-BTCD giao Thanh tra kiểm tra, xác minh đơn của công dân và tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên giải quyết theo quy định. PV Báo PLVN đã liên hệ làm việc với Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, BVMTN, nhưng đều bị né tránh và cho rằng Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đang giải quyết sau khi có kết quả sẽ thông tin lại sau.
Qua trao đổi, ông Hà Văn Dương - Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên xác nhận, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, Thanh tra tỉnh đã làm việc với các bên liên quan để báo cáo đề xuất hướng xử lý. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, hiện nay chưa có kết quả cụ thể nên chưa thông tin được. Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.