Tiếp vụ người mua trúng đấu giá đất bị từ chối cấp sổ đỏ: VKS Bình Dương ra quyết định kháng nghị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cho rằng bản án của TAND tỉnh Bình Dương trái với pháp luật, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương kháng nghị bản án này. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Chi cục Thi hành án (THA) TP Thuận An cũng đã kháng cáo để bảo vệ quyền, lợi hợp pháp cho người mua trúng đấu giá tài sản.
Lô đất bà Phượng đấu giá trúng nhưng bị từ chối cấp sổ đỏ.
Lô đất bà Phượng đấu giá trúng nhưng bị từ chối cấp sổ đỏ.

Như PLVN đã phản ánh, năm 2021, gia đình bà Võ Thị Kim Phượng bỏ ra hơn 12 tỉ đồng tham gia đấu giá trúng lô đất ở phường Bình Hòa, TP Thuận An, Bình Dương do cơ quan THA đưa ra bán. Sau đó, bà Phượng đã nộp đủ tiền, các thủ tục đã hoàn tất, nhưng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Thuận An lại không cấp sổ đỏ. Bà Phượng kiện Chi nhánh VPĐKĐĐ Thuận An. TAND tỉnh Bình Dương không chấp nhận yêu cầu của bà Phượng.

Sau phiên sơ thẩm, Viện trưởng VKSND Bình Dương có Quyết định kháng nghị phúc thẩm 03 kháng nghị Bản án 03/2023/HC-ST ngày 5/1/2023 của TAND Bình Dương.

VKS cho rằng, việc TAND Bình Dương căn cứ Điều 188 Luật Đất đai 2013 và Điều 11 Thông tư 33/TT-BTNMT; để cho rằng lô đất trúng đấu giá đang bị tranh chấp, để tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Phượng; là không có căn cứ. Việc Chi nhánh VPĐKĐĐ Thuận An từ chối nhận hồ sơ đăng ký đất đai của bà Phượng là trái pháp luật, làm ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của bà Phượng.

Thứ nhất, theo VKS, Điều 188 Luật Đất đai quy định điều kiện thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền SDĐ, góp vốn bằng quyền SDĐ. Như vậy, Điều 188 đã quy định điều kiện để người SDĐ thực hiện các quyền của mình là đất không có tranh chấp. Trong trường hợp này, bà Phượng yêu cầu được đăng ký biến động sang tên mình sau khi mua được tài sản đấu giá (TSĐG), chứ không phải bà Phượng nhận chuyển nhượng đất từ ông Nguyễn Văn Sương; nên bản án áp dụng Điều 188 Luật Đất đai là không có căn cứ.

Thứ hai, Điều 106 Luật THA dân sự về đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản quy định người mua được tài sản THA được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng với tài sản đó; cơ quan Nhà nước thẩm quyền có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua. Do vậy, bà Phượng phải được cấp sổ đỏ.

Thứ ba, Điều 7 Luật Đấu giá quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản bán đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được TSĐG ngay tình; thì trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu với TSĐG; thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được TSĐG ngay tình. Kể cả trường hợp có bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước thẩm quyền về việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyết định liên quan TSĐG, thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người mua được TSĐG ngay tình.

Thứ tư, khoản 3 Điều 133 BLDS quy định rõ, chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự của người này không bị vô hiệu; và có quyền khởi kiện yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại. Như vậy, trường hợp của bà Phượng không hề liên quan, dù có người khác khởi kiện thì đất do bà Phượng mua trúng đấu giá vẫn thuộc về bà Phượng, nên bà Phượng phải được cấp sổ đỏ.

Từ những nhận định trên, Viện trưởng VKSND Bình Dương đã ra quyết định kháng nghị bản án của TAND Bình Dương, đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của bà Phượng về việc buộc Chi nhánh VPĐKĐĐ Thuận An phải tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động chuyển nhượng quyền SDĐ do trúng đấu giá cho bà Phượng.

Theo một LS thuộc Đoàn LS Bà Rịa – Vũng Tàu: “Cần xử lý sự việc đúng luật, tránh tạo ra tiền lệ xấu. Nhiều tài sản từ các bản án, quyết định của tòa án được cơ quan THA đưa ra bán đấu giá. Vì vậy, rất không hợp lý nếu cơ quan THA đã làm đúng tất cả quy trình thủ tục từ xác minh, kê biên, bán đấu giá tài sản và người mua trúng đấu giá đã nộp hết tiền; nhưng cứ hễ có đơn khởi kiện liên quan tài sản đã bán đấu giá thành thì mọi việc phải dừng như trong vụ kiện trên. Nếu vậy, nguy cơ trắng tay luôn chực chờ người trúng đấu giá”.

“Một vấn đề khác dư luận quan tâm, là ai, cơ quan nào phải bồi thường thiệt hại khi tài sản không được sang tên cho người trúng đấu giá? Ví dụ, nếu tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc ông Sương phải trả lại thửa đất cho chủ cũ thì ai sẽ có trách nhiệm với bà Phượng, trong khi lúc kê biên, đưa tài sản ra đấu giá, chính UBND phường Bình Hòa, Chi nhánh VPĐKĐĐ Thuận An đã xác định với cơ quan THA rằng đất này là tài sản hợp pháp của ông Sương và không bị tranh chấp hay kê biên gì? Cơ quan THA không thể đi đòi người được THA trả lại tiền vì họ được THA theo quyết định của TAND quận Bình Thạnh (TP HCM) đã có hiệu lực pháp luật”.

Đọc thêm