Tâm nguyện chưa thành
Chùa Lá An Nhiên nằm bên bờ kinh Xáng thuộc ấp Bình Tiền 2 (xã Đức Hoà Hạ, Đức Hoà, Long An). Người dân trong vùng thường quen gọi nơi đây là chùa Lá. Sư cô Diệu Thiện vốn mồ cô cha mẹ từ nhỏ, phải cùng anh trai ra nhập “đội quân đường phố” bán báo dạo. Số phận đưa đẩy cô gái một thời “ngỗ ngược” trở thành nhà sư trụ trì của ngôi chùa.
Sư Diệu Thiện đã bỏ tiền túi và kêu gọi đóng góp của các phật tử, những nhà hảo tâm để sửa sang ngôi chùa cũ dột nát thành ngôi chùa mới khang trang. Với tâm nguyện chữa bệnh cứu người, bà đã cho xây kho thuốc, phòng mạch và dựng những lán để cho người bệnh ở xa đến chữa bệnh vào ở lại trong chùa. Mỗi ngày có hàng trăm người bệnh từ khắp nơi tìm đến đây để được khám bệnh, bốc thuốc miễn phí.
Ngoài trị bệnh cứu người, sư cô cũng là mạnh thường quân thường xuyên giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn trên cả nước. Vị sư trụ trì đặc biệt này là nhân vật trong mục “người tốt việc tốt” của hàng chục tờ báo. Chùa Lá cũng nổi tiếng khắp nơi với các hoạt động thiện nguyện hiệu quả và nhiều ý nghĩa.
Hiện nay mỗi ngày sư cô khám điều trị miễn phí tại chùa cho hàng trăm bệnh nhân. Cơ sở vật chất hiện tại của chùa chỉ lưu bệnh cho khoảng 20 người cùng lúc nên tâm nguyện của nhà sư là có được một nơi khang trang để khám và chữa bệnh miễn phí cho người bệnh.
Sự việc rắc rối bắt đầu vào tháng 9/2016 khi ông Nguyễn Văn Bê (pháp danh là Khai Pháp từng tu và trú tại chùa gần 1 năm) giới thiệu sư cô với bà Trần Thị Mỹ (SN 1963, ngụ TP.HCM). Theo ông Bê thì bà Mỹ là người kinh doanh bất động sản, đồng thời là một phật tử rất có tâm.
Biết sư cô đang có nhu cầu mua một khu đất để xây dựng cơ sở khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, bà Mỹ trưng ra bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở dự án khu nhà ở Rạch Bà Tánh (xã Bình Hưng huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Sư cô Diệu Thiện mỗi ngày trước đây đều hái thuốc cứu người |
Bà này cho biết, ông Trần Văn Vân (SN 1974 ngụ TP.HCM) đang có khu đất khoảng 10.000m2 tại đây. Sau khi thương lượng, sư cô đồng ý mua 22 lô đất (diện tích một lô là 5mx20m) của ông Viên với giá tiền là 9 tỷ đồng. Từ 21/9/-11/10/2016 sư cô 3 lần giao tiền đặt cọc với số tổng tiền 7 tỷ đồng. Mỗi lần giao tiền hai bên đều lập vi bằng làm chứng.
Theo nội dung của hợp đồng đặt cọc cũng như văn bản cam kết thì chậm nhất đến 30/12/2016, hai người trên sẽ tách thửa và ra được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên sư cô.
Là người tu hành nên sư cô Diệu Thiện luôn tin tưởng mọi người, đặc biệt khi được người quen giới thiệu là phật tử thì lại càng an tâm. Tuy nhiên đến hết tháng 12/2016 nhà sư vẫn không nhận được đất, đến hỏi thì hai người này hứa hẹn hết lần này đến khác.
Ngày 29/6/2017 ông Vân viết giấy xác nhận đã nhận 7 tỷ đồng và tiếp tục cam kết sẽ có trách nhiệm làm sổ đỏ. Sau đó xuất hiện một người phụ nữ nói là “mẹ nuôi” của ông Vân, người này nhiều lần viết giấy cam kết nếu ông Vân không giao được đất thì bà này sẽ trả lại cho sư cô toàn bộ số tiền 7 tỷ đồng. Tuy nhiên tới nay mọi lời hứa, cam kết vẫn không được thực hiện.
Tìm hiểu thì được biết phần đất mà ông Vân đã ký hợp đồng bán và nhận tiền của sư cô là đất của công ty CP Xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc theo Quyết định của UBND thành phố để thực hiện dự án khu nhà ở.
Công ty Đại Phúc đã thiết kế phân lô (thành 38 nền trọn lô và 19 nền một phần lô) và đã chuyển nhượng hết cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng, trong đó có 2 hộ đã làm nhà ở,
Ngoài ra khi sự việc vỡ lở, sư cô còn biết ngoài bán cho nhà sư thì trước đó ông Vân đã bán miếng đất trên cho nhiều người khác.
Gắng gượng gánh nợ
Hơn 1 năm trời gửi hàng trăm lá đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng vẫn bặt vô âm tín, trước áp lực hàng tháng phải trả số tiền lãi ngân hàng lên đến vài chục triệu đồng, còn người bệnh nghèo không có chỗ tá túc đã khiến sư cô Diệu Thiện lên cơn đột quỵ phải nhập viện cấp cứu. Cụ thể, khoảng 4 giờ sáng ngày 23/1/2018, ni tăng của chùa Lá phát hiện sư cô Nguyễn Thị Sự trong tình trạng mệt nhọc, khó thở, tái nhợt… nên tức tốc đưa đến BV Nhân dân 115 TP.HCM cấp cứu.
Theo các BS tại khoa Tim mạch của BV Nhân dân 115, sư cô nhập viện trong tình trạng đột quỵ vì nhồi máu cơ tim, tụt canxi máu nghiêm trọng.
Sau khi nhập viện sư cô đã được điều trị tích cực, tình trạng có dấu hiệu thuyên giảm nhưng vẫn còn rất yếu, đi lại mỗi ngày đều cần có người giúp đỡ. Tuy còn rất yếu nhưng sư cô vẫn xin xuất viện về sớm và phân trần: “Lúc đó cận Tết rồi, ngoài chăm lo mấy chục bệnh nhân đã tá túc tại chùa, mặc dù năm nay chùa gặp việc không may nhưng tôi vẫn cố gắng thu xếp tặng người nghèo khó neo đơn mỗi người một phần quà nhỏ như mọi năm”. Tuy nhiên, một phần do tuổi cao, lại quá lo nghĩ về số nợ lớn nên Tết đến nay sư cô đã nhiều lần phải nhập viện để tiếp tục điều trị.
Vị sư trụ trì rơi nước mắt: “7 tỷ là số tiền rất lớn, ngoài tài sản tích góp bao nhiêu năm, tôi còn vay thêm ngân hàng, hiện mỗi tháng phải trả mấy chục triệu tiền lãi. Tôi không hiểu tại sao sự việc đã rõ ràng nhưng vậy nhưng hơn một năm nay tôi gửi hàng trăm lá đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Ông Trần Văn Vân vẫn “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”. Mỗi ngày chậm trễ là mỗi ngày số tiền vay ngân hàng “lãi mẹ đẻ lãi con”, nhà chùa sắp không thể gắng gượng được nữa. Tôi chỉ mong muốn có được một bệnh viện để chữa bệnh cho người nghèo, giờ lại gặp phải chuyện này không biết tâm nguyện cuối đời của tôi có thực hiện được không?”.