Xác nhận nguồn gốc đất không có căn cứ?
Liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường đối với gia đình ông Nguyễn Trung Quế (71 tuổi, trú tại số 33/333 đường Ngô Xuân Quảng, tổ dân phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm), ngày 12/1/2017, UBND thị trấn Trâu Quỳ tiến hành xác nhận nguồn gốc đất của gia đình ông này với nội dung: sử dụng 760,7m2 đất (trong đó có 200m2 đất ở, 286,7m2 đất trồng cây lâu năm trước 15/10/1993, 274m2 là đất trồng cây lâu năm sau 15/10/1993 và trước 1/7/2004. Trong số 473m2 bị thu hồi có 56,4m2 đất ở; 37,6m2 đất trồng cây lâu năm trước 15/10/1993 được Viện giao; 171,2m2 do gia đình tự sử dụng trước 15/10/1993; 207,8m2 đất lâu năm sau 15/10/1993.
Tại biên bản họp cùng ngày do ông Nguyễn Văn Khánh- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ chủ trì, ông Quế cho biết: “Văn bản xác nhận của UBND thị trấn được lập do yêu cầu của Ban Quản lý dự án (BQLDA) là không đúng. BQLDA chỉ được phép phối hợp, không có quyền yêu cầu UBND thị trấn Trâu Quỳ thực hiện việc xác nhận nguồn gốc đất của gia đình và các hộ dân khác”.
“Gia đình tôi có 200m2 đất ở, còn lại là sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm trước thời điểm 15/10/1993, văn bản xác nhận như vậy là không đúng”, ông Quế nói.
Tại buổi họp này, ông Khánh kết luận cần phải xác nhận nguồn gốc đất của gia đình ông Quế theo văn bản đã có từ năm 2011 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và UBND thị trấn để làm cơ sở lập phương án bồi thường.
Thế nhưng, Ban bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng (GPMB) của huyện Gia Lâm cũng như UBND huyện Gia Lâm vẫn căn cứ vào xác nhận của UBND thị trấn Trâu Quỳ để tiến hành bồi thường cho gia đình ông Quế và các hộ dân khác.
Hàng loạt vấn đề chưa được làm rõ
Trong đơn thư khiếu nại, các hộ đã đưa ra những thắc mắc như: Vì sao con đường số 3 chỉ chưa đầy 200m và đường số 4 chỉ trên 200m mà lại thiết kế hình cong?
Trường hợp gia đình bà Phạm Thị Men (vợ ông Quế), là con liệt sỹ, đã nộp giấy chứng nhận cho chính quyền nhưng không được các cơ quan lưu tâm, đưa vào hồ sơ để tính phương án đền bù. Hoặc, gia đình ông Trần Xuân Nam, dù thực tế ông có 4 hộ (4 sổ hộ khẩu) nhưng khi thống kê lại ghi 2 hộ, lúc kê khai phương án đền bù lại ghi 3 hộ và ghi nhầm số nhân khẩu trong gia đình.
Có một điều nực cười là nếu nhận tiền đền bù theo phương án của huyện Gia Lâm (sau khi đóng các loại thuế) thì gia đình ông Nam sẽ phải bỏ thêm hàng trăm triệu đồng mới có được đất tái định cư tại khu dự án mới, dù diện tích chỉ bằng khoảng 1/4 diện tích đất đang ở.
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Quang Thoại (cựu chiến binh) có diện tích thực tế là 115,7m2 nhưng ghi là 81,5m2 và được chỉ được tái định cư 81m2. Ông Thoại đề nghị phải được “đổi” đủ đất theo đúng quy định vì diện tích nhà ông dưới 120m2. Ông đang khá bức xúc vì dù gia đình ông đã có đơn khiếu nại, đang chờ giải quyết thì căn nhà của ông đã bị phá dỡ 2/3 mà không được thông báo.
Đợi kết luận thanh tra sẽ trả lời báo chí?
Gia đình ông Quế đã mời Luật sư Lê Quốc Đạt (Cty TNHH Luật Trí Tuệ) bảo vệ quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, đã nhiều lần Luật sư Đạt đề nghị UBND huyện Gia Lâm cung cấp các văn bản liên quan đến dự án và bản vẽ thiết kế thi công tuyến đường nhưng đều không được chấp thuận.
Ngày 21/7/2017, phóng viên Báo PLVN đã đến UBND huyện Gia Lâm để liên hệ làm việc. Sau khi tiếp nhận giấy giới thiệu và nội dung làm việc của phóng viên, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm (ông Nam) cho biết: “Chúng tôi sẽ báo cáo lên lãnh đạo UBND để có buổi làm việc với Báo”.
Ngay sau đó, phóng viên cũng đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Ngọc Thuần (Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm) và được ông này cho biết: “Sẽ bố trí anh em các phòng ban làm việc cụ thể”.
Tuy nhiên, đến ngày 31/8/2017 (tức 40 ngày sau), khi chúng tôi liên hệ lại với ông Nam thì được ông này trả lời “chúng tôi đã báo cáo nhưng không thấy lãnh đạo cho biết khi nào sẽ gặp phóng viên”.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Thuần thì ông này chỉ nói ngắn gọn: “Chúng tôi đợi kết luận Thanh tra của UBND TP Hà Nội về các nội dung ông Quế tố cáo rồi sẽ trả lời báo chí”.