​Tiếp vụ sai phạm tại dự án đạm Ninh Bình: Năm năm, chi phí sửa chữa lên tới 345 tỷ đồng

(PLVN) - Với dự án đạm Ninh Bình, ngoài 7 nhóm vấn đề sai phạm đang đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ, căn cứ hồ sơ, tài liệu hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) còn đánh giá Nhà máy đạm Ninh Bình đang hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, thậm chí phương án tài chính dự án gần như bị phá vỡ.
Nhà máy Đạm Ninh Bình tiếp tục không có khả năng tự chi trả toàn bộ các khoản nợ trong vài năm tới
Nhà máy Đạm Ninh Bình tiếp tục không có khả năng tự chi trả toàn bộ các khoản nợ trong vài năm tới

Dây chuyền sản xuất có vấn đề

Theo báo cáo của KTNN, căn cứ hồ sơ, tài liệu hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của Nhà máy đạm Ninh Bình trong giai đoạn từ năm 2013-2018 cho thấy, Nhà máy này hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phương án tài chính bị phá vỡ do một loạt yếu tố ảnh hưởng bao gồm giá than tăng cao và sản lượng sản xuất, tiêu thụ của dây chuyền liên tục thấp hơn thiết kế và phương án tài chính. 

Đơn cử, sản lượng sản xuất thực tế của Nhà máy này không đạt so với công suất thiết kế và sản lượng sản xuất tại phương án tài chính (560 ngàn tấn ure/năm). Sản lượng sản xuất cao nhất là năm 2015, đạt mức hơn 384 ngàn tấn, tương đương khoảng 81%; thấp nhất năm 2016, chỉ đạt mức hơn 95 ngàn tấn, tương đương khoảng 17% sản lượng thiết kế và tại phương án tài chính. 

Sản lượng sản xuất thực tế theo ngày cũng không đạt so với các tiêu chí đã đặt ra (1.760 tấn ure/ngày). Sản lượng sản xuất cao nhất đạt mức 1.421 tấn năm 2013, tương đương 81% so với công suất thiết kế và tại phương án tài chính; thấp nhất là năm 2016 khi chỉ đạt 1.252 tấn, tương đương 71%. 

Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ thực tế cũng không đạt so với công suất thiết kế và phương án tài chính đặt ra, khi sản lượng tiêu thụ cao nhất cũng chỉ đạt hơn 374 tấn (71%) trong năm 2014; thấp nhất là hơn 189 tấn (34%) trong năm 2017. 

Kết quả kiểm toán cho thấy, theo thiết kế, thời gian nhà máy cần hoạt động chạy máy ổn định để đảm bảo công suất thiết kế 560 ngàn tấn ure/năm là 320 ngày. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu theo dõi hoạt động của Nhà máy, các báo cáo tình hình chạy máy của Công ty TNHH đạm Ninh Bình cung cấp cho thấy, thời gian chạy máy trong từng năm kể từ khi đưa vào vận hành sản xuất đều không đảm bảo theo thiết kế. Năm có số ngày máy chạy nhiều nhất là năm 2015 chỉ đạt 282 ngày (88,1%), năm có số ngày máy chạy thấp nhất là năm 2016 chỉ vỏn vẹn 76 ngày (23,8%). 

Thời gian chạy máy không đảm bảo theo thiết kế là một nguyên nhân dẫn đến sản lượng sản xuất thực tế không đạt đúng công suất. Trong khi theo báo cáo của Công ty TNHH đạm Ninh Bình thừa nhận: Việc dừng máy có nguyên nhân từ hệ thống, bộ phận máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất ure gặp sự cố, hỏng hóc đột xuất phải sửa chữa. Báo cáo cho thấy, chi phí sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn cho dây chuyền sản xuất từ năm 2013-2018 lên tới 345 tỷ đồng.      

Nhà máy đạm Ninh Bình có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Nhà máy đạm Ninh Bình có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Tập đoàn Hóa chất phải trả nợ thay để cầm cự

Từ thực trạng như nêu trên, KTNN đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của Nhà máy đạm Ninh Bình không hiệu quả, lỗ phát sinh hàng năm lớn. Tính đến hết năm 2018, lỗ lũy kế (chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối) của nhà máy này là hơn 4.946 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 2.633 tỷ đồng. 

Do kết quả sản xuất kinh doanh của nhà máy thua lỗ kéo dài, theo đề nghị của Tập đoàn Hóa chất, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ dự án. Theo đó, các cơ quan này đề nghị cho phép Nhà máy giảm số trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) của nhà máy so với số phải trích theo quy định của Bộ Tài chính với một số năm. 

“Với tài liệu đơn vị đã cung cấp, tính toán trong các năm 2015, 2016, 2017 và 2018, nếu trích đủ khấu hao TSCĐ theo phương pháp đường thẳng theo quy định của Bộ Tài chính; thì số lỗ lũy kế của dự án sẽ tăng thêm khoảng hơn 1.336 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính hiện nay. Lỗ lũy kế nếu tính đủ chi phí khấu hao của Nhà máy theo quy định tính đến 31/12/2018 sẽ khoảng hơn 6.283 tỷ đồng”, báo cáo của KTNN nêu. 

Do nhà máy hoạt động không hiệu quả, không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn nên Tập đoàn Hóa chất đã phải hỗ trợ trả các khoản nợ đến hạn mà Nhà máy không có khả năng thanh toán đến 31/12/2018 với giá trị là hơn 885 tỷ đồng (trả nợ thay và ghi nợ cho nhà máy). 

Theo tính toán của cơ quan kiểm toán, trên cơ sở tình hình, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy giai đoạn 2013-2018, và dự báo tình hình sản xuất trong các năm tới không có biến động lớn và nghĩa vụ trả nợ trên cơ sở số dư các khoản nợ dài hạn của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình thể hiện trên báo cáo tài chính và sổ sách kế toán đơn vị cung cấp; thì nhà máy tiếp tục không có khả năng tự chi trả toàn bộ các khoản nợ đến hạn phát sinh trong giai đoạn 3 năm tới. 

Đề nghị điều tra xuất xứ dây chuyền sản xuất 

KTNN đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ, việc thực hiện các quy định của hợp đồng EPC và quy định Nhà nước trong quản lý, giám sát, thực hiện nhập khẩu, lắp đặt máy móc, thiết bị của Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời. 

Cụ thể, có 152 thiết bị trị giá 50,546 triệu USD nhập khẩu không được kê khai hải quan để thu nộp thuế; hai thiết bị theo hợp đồng xuất xứ là EU/G7 nhưng hồ sơ tài liệu nhập khẩu thể hiện xuất xứ của Trung Quốc; 316 thiết bị có sự thay đổi về thông số kỹ thuật giữa thiết kế, nghiệm thu so với hợp đồng. 

KTNN cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan với việc nhà máy sau khi đưa vào vận hành khai thác đã gặp nhiều sự cố về kỹ thuật, hỏng hóc phải dừng máy để sửa chữa khắc phục, phát sinh nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án.

Đọc thêm