Nhiều năm liền những đơn khiếu nại, kêu cứu được đến các cơ quan có thẩm quyền từ địa phương đến trung ương. Nhiều ý kiến chỉ đạo của bộ, ngành về vụ việc trên vẫn không được xem xét, giải quyết và trả lời thỏa đáng.
Khuất tất trong đền bù
Trong các văn bản trả lời các cơ quan trung ương (gia đình bà Mai có nhận được), địa phương không hề đề cập đến việc Donacoop không thương lượng, thỏa thuận giá với người đang sử dụng đất và cơ sở nào mà UBND TP Biên Hòa đứng ra áp giá đền bù, hỗ trợ đất cho gia đình bà Mai thay Donacoop?
Một luật sư khẳng định, căn cứ Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 thì đây là dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nếu chủ đầu tư chưa thỏa thuận với chủ đất. Theo Điều 40 Nghị định 84, sau 180 ngày kể từ ngày tỉnh chấp thuận chủ trương nếu hai bên thỏa thuận đền bù bất thành thì UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, bà Mai có thiện chí thỏa thuận nhưng Donacoop đã vi phạm, không thực hiện nghĩa vụ thỏa thuận tiền đền bù, vậy tại sao phần thiệt hại trong đền bù gia đình bà Mai phải gánh chịu?
Ở một góc độ khác, sau 4 quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường và hỗ trợ cho gia đình bà Mai của UBND TP Biên Hòa, số tiền bồi thường ngày càng teo tóp. Điều này cũng cần được làm rõ. Theo bà Mai, một cán bộ giải thích là, vì bà không trực tiếp sản xuất trên đất nên không được hưởng các chế độ hỗ trợ.
Chị Huỳnh Ngọc Anh (con gái bà Mai) nghẹn ngào: “Có quy định nào bắt buộc người già, bệnh tật phải trực tiếp lao động? Mẹ tôi không trực tiếp làm lụng nhưng sai bảo chúng tôi trồng trọt, chăn nuôi trên đất, miễn là không bỏ đất hoang thì sao cho rằng bà không trực tiếp canh tác?”.
Chậm trễ giải quyết khiếu nại
Trước tiếng kêu oan khuất của bà Mai, nhiều cơ quan trung ương như Bộ TN&MT, Ban Dân nguyện của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước… đều có văn bản đề nghị Đồng Nai trả lời vụ việc thu hồi đất của gia đình bà Mai.
Đặc biệt, Thanh tra Bộ TN &MT có văn bản ngày 27/3/2015 gửi UBND tỉnh Đồng Nai nêu 3 ý kiến chính: Khiếu nại của bà Mai đối với Quyết định số 390 chưa được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Khiếu nại năm 2011; Khi giao đất để thực hiện mỏ đá Tân Cang, UBND tỉnh đã có Văn bản số 6773 ngày 27/8/2007 cho phép nhà đầu tư Donacoop được thực hiện phương án thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), thuê QSDĐ, góp vốn bằng QSDĐ theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 84 ngày 25/5/2007 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo đơn và hồ sơ bà Mai cung cấp thì Donacoop chưa hề thực hiện việc thoả thuận với gia đình bà về quyền sử dụng 10,5 ha đất nêu trên để đầu tư khai thác mỏ; Gia đình bà Mai bị thu hồi 10,5 ha đất và giải tỏa toàn bộ nhà ở, đất ở nhưng trong phương án bồi thường, hỗ trợ cho gia đình bà Mai được UBND TP Biên Hòa phê duyệt tại QĐ số 3869 chưa giải quyết bố trí tái định cư cho gia đình bà là chưa đúng quy định.
UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng đã xem xét, trả lời đơn khiếu nại của bà Mai đối với Quyết định số 390 bằng Văn bản số 8952 ngày 2/11/2009 nhưng phía bà Mai quả quyết chưa hề nhận được văn bản này, mà chỉ nhận được Quyết định số 3797 ngày 26/10/2015 của UBND TP Biên Hòa về việc giải quyết khiếu nại cưỡng chế thu hồi đất. Trong quyết định này, UBND TP Biên Hòa khẳng định trình tự thủ tục thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho bà Mai đã được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, điều cốt tử là việc Donacoop phải thỏa thuận đền bù theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai lại không hề được đề cập đến trong các văn bản trả lời trên.
Đối xử bất bình đẳng
Câu chuyện oan ức của gia đình bà Mai còn lộ ra một vấn đề bất bình đẳng trong cách thức đối xử với doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước khi Đồng Nai có chủ trương cho Donacoop thăm dò, khai thác đá ở Tân Cang (xã Phước Tân, huyện Long Thành), bà Mai đã lập Cty TNHH Thành Thuận, làm thủ tục xin chủ trương được thăm dò, khai thác đá ở đây, trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Cuối năm 2006, sau khi DN Thành Thuận có tờ trình xin chủ trương, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản không đồng ý vì “việc khai thác tài nguyên khoáng sản chỉ ưu tiên cho DN nhà nước, kiên quyết không cấp mới hồ sơ cho các DN tư nhân”. Nhưng đến năm 2009, tỉnh Đồng Nai lại ra quyết định thu hồi 65ha đất tại xã Phước Tân giao cho Donacoop thăm dò khai thác mỏ đá, trong đó có phần đất của gia đình bà Mai dù theo luật và thực tế, Donacoop chưa bao giờ là DN nhà nước. Đến nay, dù chưa đền bù xong nhưng Donacoop vẫn xúc đất phá đá mang đi bán. Tại sao Donacoop không phải là DN nhà nước lại được cấp phép mỏ đá còn DN Thành Thuận lại không được? Phải chăng có những khuất tất, mờ ám, không loại trừ hiện tượng Donacoop đang là “sân sau” của một nhóm lợi ích nào đó nên mới được ưu ái, đứng trên pháp luật như những gì đã thấy vừa qua trên địa bàn tỉnh?
Donacoop là ai?
Donacoop (do ông Bùi Thanh Trúc là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc) ra đời năm 2005. Đến nay, Donacoop đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm của Đồng Nai như Khu đô thị Long Hưng (1.300 ha), dự án bất động sản Long Thành Plaza ở huyện Long Thành, công viên nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng ở huyện Vĩnh Cửu, dự án mỏ đá Tân Cang 6…
Theo đơn kêu cứu, tố cáo của nhiều hộ dân bị giải tỏa giao đất cho Donacoop xây dựng khu đô thị Long Hưng hơn 1.300 ha thì việc đền bù tại đây cũng có nhiều khuất tất. Không ít trường hợp chưa đền bù, giải tỏa xong đã phân lô bán nền gây tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Trong nhiều trường hợp, Donacoop phải đứng ra thỏa thuận đền bù với dân nhưng đơn vị này đã tránh né, để UBND TP Biên Hòa đứng ra đền bù, thu hồi đất thay.
Công viên nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng của Donacoop cũng khiến các nhà khoa học và cư dân sống tại Biên Hòa và TP HCM lo ngại về môi trường khi dự án này nằm trên đồi cao, chỉ cách bờ sông Đồng Nai chưa đầy trăm mét, cách Nhà máy nước Thiện Tân vài cây số. Nếu có một sự cố về môi trường, hàng chục triệu cư dân ở hạ nguồn sẽ bị ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Hiện, dự án này đã đi vào hoạt động.