Tiếp vụ trang trại lợn gây ô nhiễm tại Hà Tĩnh: Chưa được cấp phép, chưa có ĐTM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trang trại chăn nuôi với quy mô gần 3.000 con lợn, hàng ngày xả thải ra môi trường nhưng không có giấy phép chăn nuôi cũng như hồ sơ đánh giá tác động môi trường của cơ quan chức năng nhưng vẫn hoạt động rầm rộ nhiều năm trời…
Trang trại lợn của Cty Phú Sơn TC chưa đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, môi trường.
Trang trại lợn của Cty Phú Sơn TC chưa đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, môi trường.

Sau khi có bài phản ánh về hoạt động của trang trại chăn nuôi lợn của HTX Chăn nuôi & Dịch vụ tổng hợp Phú Sơn và Cty TNHH Phú Sơn TC (ở xóm 1, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) gây ô nhiễm, PV đã làm việc với cơ quan chức năng. Ông Trần Văn Thư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Ân Phú, cho biết, năm 2012, thực hiện chủ trương của tỉnh làm mô hình phát triển chăn nuôi, xã có thung lũng ở xóm 1. Sau khi khảo sát, huyện Vũ Quang đồng ý cho xây dựng mô hình chăn nuôi.

“Lúc đó có hai người xin vào làm trang trại, nhưng xét hồ sơ của anh Nguyễn Văn Xoan (ở xã Ân Phú) đủ năng lực. Từ đó về sau hồ sơ đất đai, giấy phép chăn nuôi của trang trại là do huyện và tỉnh cấp, với xã họ không gửi hồ sơ nên không biết có hay chưa? Còn về kiểm tra trang trại cũng rất khó, đặc biệt từ khi trang trại này thành lập thêm Cty TNHH Phú Sơn TC năm 2014, đầu tư nuôi lợn quy mô hơn, vì lý do phòng dịch chúng tôi cũng không vào được bên trong”, ông Thư nói.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng TN&MT, trang trại của HTX chăn nuôi Phú Sơn bắt đầu hoạt động từ 2012, tổng diện tích 60ha. “Quá trình thực hiện chăn nuôi, họ đã trình hồ sơ thủ tục lên tỉnh. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục mới phát hiện đất chồng chéo, vướng mắc, nên chưa được tỉnh cấp”, ông Nghĩa nói.

Trước câu hỏi hồ sơ thủ tục mà Cty Phú Sơn TC gửi lên huyện, tỉnh xin cấp phép cụ thể ra sao, ông Nghĩa nói: “Cty Phú Sơn TC không gửi hồ sơ cho Phòng TN&MT huyện, nên phòng không có”.

Ông Phạm Hữu Tình, Trưởng Phòng Môi trường (Sở TN&MT) khẳng định, năm 2015, Cty Phú Sơn TC có gửi hồ sơ lên Sở đề nghị thẩm định và cấp đất nhưng xem xét hồ sơ chưa đủ thủ tục nên đã trả về Cty.

“Ngoài vấn đề đất đai thì trang trại này chưa có hồ sơ ĐTM được cơ quan chức năng phê duyệt. Hiện nay, với cấp phép cho các DN đầu tư chăn nuôi, vấn đề đầu tiên tỉnh quan tâm là thủ tục về môi trường, vì trang trại chăn nuôi phát thải ô nhiễm đầu nguồn nước”, ông Tình nói.

Tiếp tục tìm hiểu, PV được ông Nguyễn Quang Hiếu, cán bộ địa chính xã Ân Phú cung cấp duy nhất giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của HTX chăn nuôi & Dịch vụ tổng hợp Phú Sơn do Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Vũ Quang cấp cho ông Nguyễn Văn Xoan làm GĐ điều hành (trụ sở tại thôn 1, xã Ân Phú), ngành nghề kinh doanh chăn nuôi tổng hợp, dịch vụ nông nghiệp và cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm, vật liệu xây dựng và dịch vụ vận tải, vốn điều lệ 6 tỷ đồng.

Cty TNHH Phú Sơn TC có giấy đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT cấp cho ông Nguyễn Trung Đức làm GĐ và là người đại diện theo pháp luật của Cty (địa chỉ thôn 1, xã Ân Phú), vốn điều lệ 4,5 tỷ đồng; ngành chính là chăn nuôi lợn giống ngoại sinh sản và một số ngành nghề khác như lắp đặt hệ thống điện, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, buôn bán máy móc thiết bị, buôn bán nông lâm sản…

Dù trang trại chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được cơ quan chức năng phê duyệt về thủ tục môi trường, nhưng nhiều năm qua vì sao trang trại này vẫn chăn nuôi rầm rộ mà không bị cơ quan chức năng xử lý? Theo phản ánh của một số người dân, trang trại này do một số cán bộ công tác tại UBND huyện Vũ Quang góp vốn đầu tư và nhờ người khác đứng tên điều hành.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho rằng: “Trong hồ sơ của trang trại này không có tên người nào đang công tác ở UBND huyện cả. Còn về góc độ kiểm tra và xử lý thì quan điểm của huyện là không có vùng cấm”.

Đọc thêm