|
Cục THADS tỉnh Bình Thuận có đơn kiến nghị xem xét kháng nghị bản án |
Thống nhất kiến nghị bản án
Ngày 21/5/2018, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Thuận Huỳnh Văn Hùng đã ký Văn bản số 248/KN-CTHADS, gửi TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại TP HCM về việc đề nghị xem xét, kháng nghị bản án 03/2017/DS-ST theo thủ tục giám đốc thẩm.
Theo đó, tháng 5/2017, Cục THADS tỉnh Bình Thuận ra Quyết định thi hành bản án số 03/2017/DS-ST, nội dung buộc bà Nguyễn Thị Đào và ông Phạm Trung Nhân phải giao toàn bộ nhà và đất mà nguyên đơn đã chuyển nhượng và hoàn tất thủ tục cho bị đơn – bà Huỳnh Thị Truyền.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án, đầu tháng 3/2018, Cục THADS tỉnh Bình Thuận nhận được đơn của 3 người em ông Nhân là Phạm Trung Nguyên, Phạm Thanh Nhàn, Phạm Thanh Nhã. Nội dung đề nghị xem xét, tạm hoãn và kiến nghị kháng nghị bản án. Lý do bản án có nhiều sai sót về mặt thủ tục tố tụng, quyết định không đúng thực tế, thiệt hại đến quyền lợi của 3 người.
Cụ thể, 3 ông Nguyên, Nhàn, Nhã là con ruột bà Đào, em ruột ông Nhân và là thành viên trong hộ gia đình từ trước đến nay. Tuy nhiên, thời điểm năm 2002, bà Đào và ông Nhân ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất được cấp cho hộ gia đình mà không hề thông qua ý kiến 3 thành viên này. Căn cứ các quy định pháp luật, Cục THADS Bình Thuận nhận thấy việc khiếu nại có cơ sở.
Xác minh cho thấy, 2 thửa đất chuyển nhượng được UBND huyện Bắc Bình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số U 231026 và U 231027 cho hộ gia đình bà Đào, ông Nhân vào ngày 6/5/2002. Trong các tờ trình của UBND xã Lương Sơn và quyết định của UBND huyện Bắc Bình về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đều thể hiện QSDĐ được cấp cho hộ gia đình bà Đào, ông Nhân.
Khi bà Đào và ông Nhân tự ý chuyển nhượng đất cho vợ chồng bà Truyền, UBND xã Lương Sơn và UBND huyện Bắc Bình đều xác nhận trong 2 hợp đồng chuyển nhượng đất với nội dung đất chuyển nhượng là của hộ gia đình. Tương tự, sau đó UBND huyện Bắc Bình ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ của hộ bà Đào, ông Nhân cũng đều thể hiện đất là của hộ gia đình. Như vậy, tất cả bằng chứng đều cho thấy, 2 mảnh đất đều thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình.
Kết quả xác minh cho thấy, thời điểm cuối năm 2002 trở về trước, hộ gia đình bà Đào gồm tổng cộng 6 thành viên là bà Đào và 5 người con ruột. Tuy nhiên, Bản án số 03/2017/DS-ST cho rằng, 2 mảnh đất chuyển nhượng được cấp cho cá nhân bà Đào, ông Nhân. Từ đó, “bỏ quên” quyền lợi của các thành viên còn lại trong hộ gia đình, vốn là những người có quyền sử dụng chung.
Hợp đồng chuyển nhượng đất của bà Đào, ông Nhân với vợ chồng bà Truyền không thông qua các thành viên trong hộ gia đình đã vi phạm quy định Bộ luật Dân sự năm 1995, vi phạm Thông tư số 1417/TT-TCĐC ngày 18/9/1999 của Tổng cục địa chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ.
Ngày 08/5/2018, Cục THADS Bình Thuận tổ chức họp liên ngành với TAND tỉnh Bình Thuận, VKSND tỉnh Bình Thuận. Tại cuộc họp, các cơ quan khẳng định khiếu nại của 3 người em ông Nhân là có cơ sở nên thống nhất đề nghị Cục THADS kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Trước đó, ngày 19/3/2018, Cục THADS tỉnh Bình Thuận ra thông báo hoãn việc cưỡng chế đối với bà Đào, ông Nhân để phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ khiếu nại, tránh thiệt hại cho các đương sự cũng như khiếu nại sau này.
Hàng loạt vấn đề cần làm rõ
Như Báo PLVN đã nhiều lần phản ánh, vụ tranh chấp đất khởi nguồn từ việc năm 2002, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng và hoàn tất thủ tục sang tên, ông Nhân, bà Đào cho rằng vợ chồng bà Truyền vẫn chưa thanh toán tiền nên khởi kiện, yêu cầu huỷ hợp đồng, đòi lại tài sản.
Năm 2008, qua 2 lần xử sơ thẩm và phúc thẩm, Toà đều cho rằng bà Truyền tiền hậu bất nhất, có hành vi gian dối cũng như không chứng minh được mình đã giao tiền cho bên bán đất, vì vậy tuyên huỷ 2 hợp đồng chuyển nhượng. Năm 2009, Toà Dân sự TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm huỷ 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm nói trên, yêu cầu xét xử lại để làm rõ thêm các vấn đề.
Năm 2017, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm lại vụ án. Trước lời khai của bị đơn rằng “đã thanh toán đủ tiền”, Toà không yêu cầu họ chứng minh cho lời khai này, như chứng từ, biên nhận thể hiện việc giao nhận tiền. Ngược lại, Toà yêu cầu phía nguyên đơn phải chứng minh mình chưa nhận tiền. Ông Nhân bà Đào tất nhiên không thể làm được yêu cầu vô lý này, kết quả bị Toà bác đơn.
Đầu tháng 3/2018, khi có ồn ào việc 2 mảnh đất của gia đình sẽ bị cưỡng chế, 3 người em ruột của ông Nhân mới té ngửa việc đất của hộ gia đình bị mẹ và anh đem bán lúc nào không hay. Ông Nhân khi đó đã thừa nhận, ông và mẹ bán đất mà không có sự đồng ý của 3 người em trai.
Báo PLVN tiếp tục thông tin.
Sai lầm nghiêm trọng
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, việc chuyển nhượng sai sót từ việc lập hợp đồng cho đến việc UBND xã xác nhận, UBND huyện thẩm định cho đến việc thu giấy và cấp giấy chứng nhận QSDĐ mới. Việc Bản án 03/2017/DS-ST của TAND tỉnh Bình Thuận công nhận hợp đồng chuyển nhượng trái luật nói trên là sai lầm nghiêm trọng, vi phạm Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự.
Bản án cũng bị cho là vi phạm Bộ luật Tố tụng Dân sự khi Toà yêu cầu phía nguyên đơn (người được quyền nhận tiền) phải có chứng cứ “phủ nhận” việc nhận tiền. Trong khi nguyên tắc thông thường, nghĩa vụ chứng minh việc thanh toán tiền thuộc về bên giao tiền (bên bị đơn) bằng các chứng từ, giấy biên nhận...
Ngoài ra, bản án có lời khai của 3 người với tư cách là người làm chứng nhưng lại không đưa vào vụ án và triệu tập tham gia phiên toà xét xử để xác định lời khai của họ có đủ cơ sở để làm chứng cứ của vụ án, có đúng quy định pháp luật hay không. Hợp đồng chuyển nhượng có dấu hiệu vi phạm về trình tự thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ quy định tại Nghị định 17/1999/NĐ-CP.