Tòa công nhận hành vi trái luật?
Báo PLVN đã có nhiều bài viết phản ảnh vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ở Bắc Bình, Bình Thuận. Trong đó, vấn đề nghịch lý ở chỗ, đất là tài sản chung của hộ gia đình 6 thành viên, bị 2 thành viên tự ý đem chuyển nhượng nhưng TAND tỉnh Bình Thuận lại công nhận việc mua bán này, thể hiện tại Bản án số 03/2017/DS-ST ngày 13/3/2017.
Các luật sư đã phân tích, chỉ ra những sai sót của bản án, trong đó vấn đề đáng chú ý nhất là xem xét hiệu lực pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng. Cụ thể, trong quá trình giải quyết, Tòa án chưa xác định rõ nguồn gốc và chủ thể Giấy chứng nhận QSDĐ đã giao dịch và tranh chấp.
Giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho hộ gia đình nhưng lại không đưa những người liên quan, là các thành viên trong hộ vào vụ án dẫn đến áp dụng sai về điều kiện giao dịch, từ đó Tòa đã áp dụng sai quy định pháp luật về việc công nhận hợp đồng chuyển nhượng bị vô hiệu về chủ thể giao dịch. Cụ thể ở đây, hai Giấy chứng nhận QSDĐ số U 231026 và U 231027, cùng được cấp ngày 6/5/2002, đều thể hiện đất này là UBND huyện Bắc Bình cấp cho hộ gia đình hai mẹ con bà Nguyễn Thị Đào, ông Phạm Trung Nhân (thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình).
Tuy nhiên, tại 2 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ 174/CN và 175/CN, ngày 26/8/2002, bà Đào và ông Nhân ký bán đất cho vợ chồng bà Huỳnh Thị Truyền và ông Cao Hạnh, mỗi hợp đồng chỉ có chữ ký của bà Đào, ông Nhân. Trong khi hộ gia đình thời điểm đó còn có 4 thành viên khác là Phạm Trung Nguyên, Phạm Thanh Nhàn, Phạm Thanh Nhã, Phạm Thị Thùy Như, là đồng sở hữu QSDĐ.
Chẳng những không đưa 4 thành viên trên vào vụ án, bản án 03/2017/DS-ST còn cho rằng, 2 phần đất tranh chấp được cấp cho cá nhân bà Đào, ông Nhân. Từ đó công nhận việc bán đất là hợp pháp, bỏ qua quyền lợi của các đồng sở hữu tài sản hợp pháp còn lại.
Ông Phạm Trung Nguyên cho biết, ông và 2 người em (Nhàn, Nhã) không hề uỷ quyền cho mẹ (bà Đào) và anh trai (ông Nhân) ký hợp đồng bán đất, cũng như không hề ký tên trong hợp đồng bán đất, không hiểu vì sao khi xét xử vụ án vào tháng 3/2017 cũng như những lần trước đó, Tòa không hề mời các ông lên làm việc, lấy ý kiến hay đưa vào xét xử vụ án.
Đến tháng 3/2018, khi có ồn ào việc 2 mảnh đất của gia đình sẽ bị cưỡng chế để giao cho người khác, 3 anh em ông mới té ngửa việc đất của hộ gia đình bị mẹ và anh đem bán lúc nào không hay. Bởi cho tới lúc đó, tài sản trên gia đình vẫn đang quản lý, canh tác, sử dụng.
Ông Nhân khi đó đã thừa nhận, năm 2002 ông và mẹ âm thầm bán đất mà không có sự đồng ý của 3 người em trai. Chính ông Nhân cũng cho rằng, việc cá nhân ông mang đất cấp cho hộ gia đình đi bán là trái luật và yêu cầu kháng nghị bản án, xét xử lại cho đúng luật để trả quyền lợi cho các em.
Vì lý do trên, 3 anh em ông Nguyên đã làm đơn kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị hoãn thi hành án và xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. “Bản án 03/2017/DS-ST của TAND tỉnh Bình Thuận hoàn toàn trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của 3 anh em tôi”, ông Nguyên bức xúc.
Liên ngành Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án Bình Thuận thừa nhận bản án sai sót |
Ngoài vi phạm Luật đất đai và Bộ Luật dân sự như đã phân tích, bản án cũng bị cho là vi phạm Bộ Luật tố tụng dân sự khi Toà yêu cầu phía nguyên đơn (bên bán đất) phải có chứng cứ chứng minh rằng mình chưa nhận tiền. Điều này được cho là trái ngược nguyên tắc và lẽ thường tình.
Bản án có lời khai của 3 người với tư cách là người làm chứng nhưng lại không đưa họ vào vụ án và triệu tập tham gia phiên toà xét xử. Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ còn có dấu hiệu vi phạm về trình tự thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ quy định tại Nghị định 17/1999/NĐ-CP.
Kiến nghị xem xét lại bản án
Ngày 21/5/2018, Cục THADS tỉnh Bình Thuận có văn bản số 248/KN-CTHADS, gửi TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại TP.HCM về việc đề nghị xem xét, kháng nghị bản án 03/2017/DS-ST theo thủ tục giám đốc thẩm.
Theo đó, trong quá trình thi hành án, Cục THADS tỉnh Bình Thuận nhận được đơn của 3 ông Nguyên, Nhàn, Nhã. Nội dung đề nghị xem xét, tạm hoãn và kiến nghị kháng nghị bản án. Lý do bản án có nhiều sai sót về mặt thủ tục tố tụng, quyết định không đúng thực tế, thiệt hại đến quyền lợi của 3 người.
Cục nhận thấy việc khiếu nại có cơ sở, đồng thời kết quả xác minh cho thấy, 2 mảnh đất tranh chấp tại bản án 03/2017/DS-ST đều thuộc sở hữu hộ gia đình. Đồng nghĩa TAND tỉnh Bình Thuận đã “bỏ quên” quyền lợi của 3 đồng sở hữu tài sản.
Ngày 8/5/2018, liên ngành THADS, TAND, VKSND tỉnh Bình Thuận đã họp bàn vấn đề trên. Tại cuộc họp, các cơ quan khẳng định khiếu nại của 3 ông Nguyên, Nhàn, Nhã là có cơ sở, từ đó thống nhất đề nghị Cục THADS kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Đến ngày 15/3/2019, phó viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM (Viện cấp cao 3) – ông Lâm Quang Trường đã ký thông báo về việc không kháng nghị giám đốc thẩm, gửi 3 ông Nguyên, Nhàn, Nhã và Cục THADS tỉnh Bình Thuận.
Trong đó, công nhận tài sản chuyển nhượng và tranh chấp là Giấy chứng nhận QSDĐ được cấp cho hộ gia đình (6 thành viên) chứ không phải cấp cho cá nhân bà Đào, ông Nhân. Xét về nguồn gốc đất, theo các giấy sang nhượng năm 2001, bà Đào và ông Nhân là người đứng ra mua phần đất nói trên.
Dựa vào lời khai trước đây của ông Nhân bà Đào, rằng số tiền trên là của người thân bên Mỹ gửi về cho hai người để nhờ mua đất, đứng tên giùm – bán đất giùm. Vì thế Viện cấp cao 3 cho rằng 3 anh em Nguyên, Nhàn, Nhã “không có đóng góp gì đối với phần đất nêu trên”. Việc mẹ và anh trai tự ý bán đất không ảnh hưởng quyền lợi gì đối với 3 ông, đề nghị giám đốc thẩm của họ cũng bị cho là không có cơ sở.
Đi trên vết xe đổ
Lập luận của Viện cấp cao 3 gây bức xúc cho những người liên quan. 3 ông Nguyên, Nhàn, Nhã cho rằng, vì không được đưa vào vụ án tranh chấp và bị xâm phạm quyền lợi nên 3 ông mới phải làm đơn yêu cầu xem xét lại.
Thế nhưng, Viện cấp cao 3 chỉ dựa vào lời khai của mẹ và anh trai ở Tòa trước đây, không hề thu thập ý kiến nhưng đã phán rằng các ông Nguyên, Nhàn, Nhã không có công sức đóng góp gì vào tài sản. Điều này theo ông Nguyên chẳng khác nào lặp lại vi phạm của TAND tỉnh Bình Thuận.
Dấu hiệu oan sai đã rõ liệu địa phương có bất chấp cưỡng chế |
Trong khi đó, hiện tại ông Nhân đã thừa nhận việc âm thầm bán đất là sai pháp luật. Thể hiện ở việc, gia đình góp tiền mua đất vào năm 2001. Từ phần đất đó gia đình tiếp tục khai hoang, sử dụng đến năm 2002 mới làm sổ đỏ, nhờ đó diện tích đất hoa màu của hộ gia đình đã tăng lên rất nhiều.
“Viện cấp cao 3 lập luận như trên là chủ quan và trái quy định pháp luật. Mẹ và anh trai tôi đã khẳng định chúng tôi có đóng góp và có quyền lợi với tài sản chung, sổ đỏ cũng được cấp cho hộ gia đình, thì họ dựa vào điều gì mà tước bỏ quyền lợi chúng tôi?”, các ông Nguyên, Nhàn, Nhã đặt câu hỏi.
Không thể chấp nhận nội dung thông báo trên, 3 ông cho biết sẽ làm đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra – VKSND tối cao về dấu hiệu tiếp tay, bao che cho bản án trái luật, oan sai của Viện cấp cao 3.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Theo luật sư Đào Kim Lân - Giám đốc công ty Luật An Thuận Phát, về thủ tục tố tụng, bản án số 03/2017/DS-ST ngày 13/3/2017 của TAND tỉnh Bình Thuận không đưa 3 người trong hộ (3 ông Nguyên, Nhàn, Nhã) vào vụ án thì xem như bỏ sót, phải đề nghị tái thẩm, phải giám đốc thẩm vì có tình tiết mới.
Trường hợp người mẹ (bà Đào) và người anh (ông Nhân) khai là mua đất giùm cho người bên Mỹ, và người ấy cũng có chứng cứ thì vẫn phải liên quan đến 3 người trong hộ vì Giấy chứng nhận QSDĐ ở đây được cấp cho hộ gia đình.
Mặt khác, đất nông nghiệp thì phải canh tác, những người trong hộ gia đình vẫn có đóng góp, và đó là lý do tại sao Nhà nước dùng từ “hộ” để phân biệt với cá nhân hay tổ chức. Ngoài ra, việc người nước ngoài mang tiền đầu tư đất như thế là trái phép, có thể bị xử phạt hoặc thu hồi.