Công an huyện chưa nhận được hướng dẫn cụ thể
Như đã thông tin, Báo PLVN nhận được đơn tố cáo phản ánh việc ông Xuân Văn Thọ (SN 1957, sống tại thôn Quảng Tái, xã Trung Tú) đang là phạm nhân bị giam giữ tại Trại Chăm, nhưng trốn về địa phương và sinh sống trong thời gian dài.
PLVN đã liên hệ các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc. Kết quả xác minh cho thấy, ông Thọ trong thời gian là phạm nhân đang chấp hành án đã trốn về thôn Quảng Tái sinh sống từ 1983, từ đó đến nay chưa bị cơ quan chức năng nào phát hiện hay xử lý.
Văn bản 490/VKS-ƯH ngày 24/4/2023 của VKSND Ứng Hòa cho biết, theo kết quả xác minh của Công an huyện, ông Thọ bị bắt ngày 25/5/1982, án 20 năm tù, danh chỉ Bản 3678 lập ngày 10/8/1982, vào trại 6/8/1982, đến 5/6/1983 trốn khỏi nơi giam giữ, hiện không có thông tin, tài liệu, quyết định truy nã phạm nhân này.
Kết quả xác minh, làm việc với TAND tỉnh Hà Sơn Bình (nay là TAND Hà Nội), Công an huyện xác định: Tại Bản án 76 ngày 18/11/1982, TAND tỉnh xử 20 năm tù với Thọ về tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Sau đó bản án có kháng cáo, TAND tỉnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên TAND Tối cao. TAND tỉnh chỉ lưu trữ bản án hình sự sơ thẩm.
Tại Bản án phúc thẩm 706 ngày 27/9/1983, TAND Tối cao xử 20 năm tù với Thọ nhưng xử vắng mặt vì phạm nhân Thọ đã bỏ trốn khỏi trại giam. Đến nay, hồ sơ vụ án đã tiêu hủy theo Quyết định 524/QĐ ngày 7/12/1996 của Chánh án TAND Tối cao về việc tiêu hủy hồ sơ tài liệu hết thời hạn bảo quản lưu trữ; hiện chỉ còn lưu bản án hình sự.
Theo kết quả xác minh, trao đổi với Công an Hòa Bình, Công an Hà Nội, Cục V06 Bộ Công an và các đơn vị liên quan, xác định ông Thọ không có thông tin, tài liệu và nằm trong danh sách bị truy nã.
Lãnh đạo Công an huyện Ứng Hòa cho biết, qua xác minh, khi ông Thọ về địa phương, quá trình sinh sống không có hạn chế về quyền công dân, không cấm đi khỏi nơi cư trú, không có quyết định của cơ quan nào. Ông Thọ từ khi trốn trại về địa phương không có vi phạm nào mới, nên Công an huyện đã báo cáo lên Công an TP để có hướng giải quyết cụ thể. Đồng thời, gửi đề nghị đến Bộ Công an thành lập Đoàn thanh tra liên ngành về hồ sơ thi hành án của ông Thọ để giải quyết theo đúng qui định, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể.
Ông Phạm Hữu Luận, Trưởng Công an xã, cho biết: “Ông Thọ vào năm 1983 đúng là đã trốn trại giam về địa phương, nhưng là từ mấy chục năm trước, công an xã không có hồ sơ thời kỳ đó. Từ khi trốn trại về cư trú tại địa phương, đến nay ông Thọ cơ bản vẫn luôn chấp hành tốt quy định pháp luật, chưa có tiền án, tiền sự gì mới”.
Đánh giá của chuyên gia pháp lý
Trao đổi với PV, ông Thọ nói lí do đang chấp hành án lại trốn về nhà: “Nhà tôi từ ngày xưa nghèo lắm, lúc bị bắt, tôi thấy mình không thể lo toan, chăm sóc cho vợ con, nhà không còn trụ cột, trong lòng tôi rất lo lắng, sợ gia đình, vợ con mình có ổn không”.
Bà Lê Thị Liên (vợ ông Thọ), nói khi chồng bị bắt, bà mới sinh con đầu được 7 tháng, bản thân đang mang bầu đứa thứ hai hơn 2 tháng. Nhà nghèo, con nhỏ, chồng bị bắt, gia đình khốn khó. “Vì thương vợ, nhớ con, lo cho cha mẹ, chồng tôi đã trốn về nhà để gánh vác gia đình”, bà nói.
Ông Thọ nói nay đã gần 70 tuổi, sức khoẻ không được bảo đảm nên mong muốn được tiếp tục ở nhà, ở địa phương. “Từ lúc về quê nhà, tôi vẫn luôn cố gắng sống có ích, tử tế, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông Thọ nói.
Ông Nguyễn Đình Thuận (Trưởng thôn Quảng Tái) đánh giá, gia đình ông Thọ trong 2 năm vừa qua được đề cử là gia đình văn hoá của thôn. Hiện ông Thọ đang là trưởng họ của dòng họ Xuân tại địa phương. Trong nhiều năm qua, lấy mình là bài học, ông luôn giáo dục, dạy dỗ các con, cháu trong dòng họ không vì sự nông nổi, bồng bột mà làm điều sai trái, vi phạm pháp luật. Dòng họ Xuân tại thôn hàng chục năm trở lại đây không có ai có tiền án, tiền sự.
“Tôi biết pháp luật phải được bảo đảm thực hiện, ai làm trái quy định sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng ông Thọ nay đã già, cũng đã sửa đổi trở thành một người tử tế, một công dân tốt của địa phương. Do đó, tôi rất mong cơ quan chức năng chấp thuận, cho phép ông Thọ được tiếp tục ở lại nhà”, ông Thuận nói.
Bà Liên thì nói: “Chồng tôi đã mắc phải lỗi lầm khi còn trẻ, nhiều năm qua đã luôn cố gắng làm nhiều điều tốt. Đến nay ông ấy già rồi, chẳng biết còn sống được bao nhiêu năm nữa, nên giờ chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng tạo điều kiện”.
Từ góc độ pháp lý, LS Lê Hiếu (Giám đốc Cty Luật TNHH Hiếu Hùng) đưa ra quan điểm, pháp luật nước ta đề cao tính nhân văn, khoan hồng. Do vậy, cơ quan thẩm quyền có thể xem xét Điều 27 BLHS quy định về “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” để xem xét với trường hợp ông Thọ.