5 bảo vật quý giá
Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh Kiều Đinh Sơn cho biết, cả 5 hiện vật nói trên đều được lựa chọn ra trong số trên 60.000 hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh. Đây là các hiện vật gốc, độc bản, tồn tại nguyên vẹn mà cho đến nay chưa một cá nhân hay địa phương nào ở Việt Nam phát hiện, lưu giữ được hiện vật tương tự. Các hiện vật có hình dáng độc đáo, hoa văn trang trí tinh xảo, bố cục chặt chẽ, có giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử.
Trống đồng Quảng Chính là hiện vật bằng kim loại có niên đại khoảng thế kỷ III - II trước công nguyên. Hiện vật được phát hiện tại xã Quảng Chính, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, được các nhà nghiên cứu xếp vào loại 4 nhóm A trong hệ thống phân loại trống đồng Đông Sơn. Trống có bố cục hoa văn độc đáo với ngôi sao 6 cánh và hình tượng chim hạc bay xuôi theo chiều kim đồng hồ. Đây là trống đồng duy nhất đến thời điểm hiện nay được phát hiện tại Quảng Ninh, minh chứng cho việc khẳng định chủ quyền về quốc gia, lãnh thổ và văn hóa của vùng đất phên dậu Tổ quốc.
Trống đồng Quảng Chính |
Còn đối với Thống đồng là hiện vật bằng kim loại, có niên đại khoảng thế kỷ XIII - XIV, là vật dụng lễ khí (tế khí) sử dụng trong các hoạt động nghi lễ (tế lễ) của đời sống cung đình (miếu/đường) thời Trần. Đây là hiện vật có hình thức độc đáo, hoa văn trang trí điển hình văn hóa nhà Trần và là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm.
Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là hiện vật bằng gốm, có niên đại khoảng thế kỷ XV, được sử dụng để đặt các lễ vật trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là hiện vật có hình thức độc đáo với phần trên mặt trong và ngoài hiện vật được trang trí 42 cánh sen tạo tổ hợp các dải băng hoa sen đơn và kép với các lớp so le giống hình một bông hoa sen đang nở rộ. Hiện vật là một tác phẩm nghệ thuật nổi trội về giá trị thẩm mỹ, khẳng định bước phát triển đột biến trong kỹ thuật, mỹ thuật của người thợ gốm.
Bình gốm Đầu Rằm |
Bình gốm Đầu Rằm với tất cả các biểu hiện hình dáng, hoa văn trang trí cũng như những tư tưởng về thế giới quan triết học, tư duy hình học đối xứng… là một tác phẩm kỹ - mỹ thuật đánh dấu một bước ngoặt trọng đại của cộng đồng cư dân tiến xuống biển. Từ di tích Đầu Rằm có thể đặt nền tảng cho nghiên cứu văn hóa Tràng Kênh. Đó chính là cơ sở để tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Quảng Ninh nói riêng và lịch sử khu vực duyên hải Đông Bắc nói chung trong giai đoạn sơ kỳ thời đại đồng thau. Bình gốm Đầu Rằm được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật gốm tiền sơ sử Việt Nam, là một trong những biểu tượng cho đỉnh cao kỹ - mỹ nghệ sản xuất gốm Phùng Nguyên.
Mâm bồng gốm men |
Việc phát hiện Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử trên con đường hành hương lên am Ngoạ Vân, nơi vua Trần hoá Phật, góp tư liệu quan trọng vào nhận thức về di tích am Ngọa Vân - “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và di tích Ngọa Vân nói chung. Qua kỹ thuật chế tác, các họa tiết hoa văn… thể hiện giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng và mỹ thuật là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong sự phát triển mỹ thuật của thời Trần.
Theo Quyết định, Thủ Tướng cũng nêu rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp nơi có Bảo vật quốc gia, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý Bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Sẽ có thêm bảo vật quốc gia?
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm, tạo điều kiện để Bảo tàng Quảng Ninh có thể sưu tầm một số hiện vật độc đáo, có giá trị lịch sử gắn với Quảng Ninh để trưng bày bổ sung cho các không gian Bảo tàng.
Vì vậy, ngoài 5 hiện vật đã được công nhận Bảo vật Quốc gia kể trên, Bảo tàng Quảng Ninh và một số địa phương trên địa bàn vẫn còn một số hiện vật quý hiếm, có thể tiếp tục lập hồ sơ đề xuất công nhận Bảo vật Quốc gia trong thời gian tới.
Thống đồng |
Bên cạnh việc tiếp tục đề xuất công nhận các Bảo vật Quốc gia thì câu chuyện quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị “hậu” công nhận Bảo vật Quốc gia luôn là điểm thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, những người yêu mến cổ vật cũng như công chúng.
Ông Ninh Kiều Sơn cho biết thêm, việc bảo vệ, phát huy giá trị hiện vật không phải là sau khi được công nhận Bảo vật Quốc gia thì mới quan tâm, thực hiện. Công việc này phải làm thường xuyên, liên tục thông qua việc trưng bày, giới thiệu hiện vật tại các không gian của Bảo tàng, trưng bày triển lãm lưu động, thông qua giới thiệu hình ảnh, tư liệu.
Thời gian tới, Bảo tàng Quảng Ninh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tập hợp tư liệu để in sách dạng sổ tay, các tờ rơi, tập gấp giới thiệu hình ảnh, giá trị của các Bảo vật Quốc gia. Song song với đó, Bảo tàng cũng đang nghiên cứu đặt làm các chế bản hiện vật bằng các chất liệu khác nhau, có gắn logo Bảo tàng Quảng Ninh để làm quà tặng, quà lưu niệm, phục vụ du khách.