Ẩm thực Việt được vinh danh hàng đầu châu Á

(PLVN) - Ngày 3/11/2020, Tổ chức World Travel Awards đã công bố kết quả bình chọn Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 27 (WTA) khu vực châu Á năm 2020 bằng hình thức trực tuyến, trong đó Việt Nam được vinh danh ở 3 hạng mục: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đứng đầu khu vực châu Á ở 3 hạng mục này.
Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực Việt.
Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực Việt.

85% du khách quan tâm du lịch ẩm thực

Ngoài danh lam thắng cảnh, Việt Nam còn được du khách nước ngoài đánh giá cao về ẩm thực. Những gian hàng ẩm thực Việt Nam tại các Festival quảng bá văn hóa ẩm thực ở nước ngoài luôn thu hút đông đảo thực khách bản xứ và quốc tế.

Trước đó, Tờ The Telegraph xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn thế giới. Kênh CNN chuyên mục du lịch cũng đánh giá TP. Hồ Chí Minh là “kinh đô ẩm thực Việt Nam”, đồng thời thuộc nhóm 23 thành phố có thức ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới. 

Phở là món ăn nổi tiếng vượt qua biên giới Việt Nam, đã lan rộng và nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Trang CNN bình chọn phở đứng thứ 28/50 món ăn ngon nhất toàn cầu. Thậm chí, Nhật Bản đã lấy ngày 4/4 là “Ngày của Phở” để tôn vinh món ăn độc đáo này.

Cùng với phở, bún chả cũng được báo chí nước ngoài ca ngợi. Bún chả nằm trong danh sách 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới năm 2014 của trang National Geographic và top 10 món ăn ngon nhất mùa hè do CNN bình chọn. Bún chả có lẽ càng nổi tiếng hơn khi hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thoải mái ăn bún chả ở một quán nổi tiếng tại Thủ đô Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 được phát triển toàn thế giới.

Ngoài phở, bún chả, nhiều món ăn, thức uống khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam được tôn vinh trên thế giới, như: bánh chưng, chả giò, nem rán, gỏi cuốn, bún bò Huế, bánh xèo, bún riêu cua, bún thang, cà phê trứng… Điều làm nên nét khác biệt của ẩm thực Việt là sự cân bằng âm - dương, chua - cay - mặn - ngọt hài hòa, truyền tải trọn vẹn hương vị tự nhiên, cân bằng giá trị dinh dưỡng.

Báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực cho rằng, có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, du lịch ẩm thực là chất xúc tác cho kinh tế địa phương và nhìn chung ẩm thực là nguyên nhân thứ 3 chỉ sau yếu tố văn hoá, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng quyết định đến điểm đến của du khách.

Sẽ xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống

Việt Nam là đất nước đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S nên văn hóa đa dạng, phong phú. Những yếu tố về thiên nhiên, địa hình với đường bờ biển kéo dài cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển ẩm thức. Đây là điều mà không phải quốc gia nào trên thế giới có được.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, ngay từ thuở đầu dựng nước, truyền thuyết "bánh chưng bánh dày" đã khẳng định nguyên lý của ẩm thực Việt Nam là cân bằng âm dương và ngũ hành tương sinh, nhờ vậy mà món ăn Việt Nam trông đơn giản nhưng vẫn đạt đến độ tinh tế và vẻ đẹp hài hòa. Chính những nguyên lý đó đã đưa ẩm thực Việt Nam tồn tại lâu dài, phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi trên thế giới.

“Ẩm thực cũng là di sản văn hóa quyết định sự sinh tồn của chúng ta. Trong dịch vụ thì ẩm thực đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của du lịch.

Do đó, một số biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực gắn với du lịch bền vững đó là: Thống kê các loại hình di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; tư liệu hóa di sản văn hóa âm thực; đưa di sản văn hóa ẩm thực vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đưa di sản văn hóa ẩm thực vào các thiết chế văn hóa, phục vụ du lịch; xây dựng một số trung tâm văn hóa ẩm thực - điểm đến du lịch; phối hợp liên ngành, hợp tác giữa các thành phần liên quan” - Giáo sư Đặng Văn Bài mong mỏi.

Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam được thành lập năm 2017 nhằm xúc tiến và quảng bá ẩm thực Việt trong nước và quốc tế. Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh Tổ nghề đầu bếp Việt Nam tại khu di tích danh thắng Tây Thiên (Vĩnh Phúc) - nơi có đền Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu…

Theo truyền thuyết, hoàng tử Lang Liêu là người đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày là câu chuyện sớm nhất gắn với hai món ăn đặc biệt của toàn dân tộc. Do đó, hoàng tử Lang Liêu xứng đáng là ông Tổ nghề đầu bếp Việt Nam. Hoàng tử Lang Liêu và vợ là Lăng Thị Tiêu - người đồng hành cùng ông trong quá trình sáng tạo bánh chưng, bánh dày cần được tôn vinh. 

Hiện nay, lực lượng đầu bếp chuyên nghiệp của Việt Nam có trên 50.000 người. Họ chính là lực lượng chủ lực trong bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống, đồng thời cũng là người kết hợp được ẩm thực truyền thống với ẩm thực quốc tế. 

Hiện Tổng cục Du lịch đang xây dựng Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”, nằm trong kế hoạch của ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa sẽ chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.

Đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mang thương hiệu quốc gia với chất lượng dịch vụ vượt trội, được đầu tư công phu, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.