Bắt đặt cọc khi tham gia bán hàng đa cấp là phạm pháp

(PLO) - Người bán hàng đa cấp nếu yêu cầu người muốn tham gia mạng lưới trả tiền, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Bắt đặt cọc khi tham gia bán hàng đa cấp là phạm pháp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đáng chú ý là quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng. Trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên mức phạt sẽ tăng gấp hai lần.
Đối với người tham gia hoạt động đa cấp, nếu chưa được cấp thẻ thành viên theo quy định, không xuất trình thẻ khi tiếp thị bán hàng, không cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp và hàng hóa tăng mức phạt 300.000-500.000 lên từ 500.000 đồng đến một triệu đồng. Ngoài ra, người tham gia bán hàng đa cấp cung cấp thông tin không trung thực hoặc không chính xác về hàng hóa sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm khác: Việc cung cấp thông tin hàng hóa không không chính xác bị phạt 1- 3 triệu đồng; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp có một trong các hành vi vi phạm: Thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp khi chưa được cấp thẻ thành viên theo quy định; không xuất trình thẻ thành viên khi giới thiệu hàng hoá hoặc tiếp thị bán hàng; không cung cấp đầy đủ những thông tin về doanh nghiệp và hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp theo quy định khi bảo trợ một người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp có hành vi yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Kinh doanh đa cấp là mô hình đã được thừa nhận và chịu sự quản lý bởi luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng nhiều khe hở của quy định, nhiều sự việc lừa đảo liên quan đến bán hàng đa cấp đã diễn ra tại hầu khắp tỉnh, thành trong cả nước.
Với cách thức tổ chức hội thảo, lợi dụng uy tín của các tổ chức, cá nhân nổi tiếng, các công ty đa cấp tiến hành quảng cáo rầm rộ các loại sản phẩm thuốc chữa bệnh, dạy cách làm giàu... Để trở thành nhân viên chính thức ngoài việc mua sản phẩm có khi tốn hàng trăm triệu đồng, khách hàng phải mời được nhiều người khác cùng tham gia để tăng thu nhập.
Ngoài ra, đánh trúng tâm lý của người nghèo và sự thiếu hiểu biết của chính quyền địa phương tại các vùng nông thôn, một số mô hình đa cấp đã lôi kéo nhiều người huy động tiền vay với lãi suất lên đến vài trăm phần trăm khiến không ít hộ nông dân bỗng dưng thành con nợ.
Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp tại Việt Nam, đến tháng 7/2015, cả nước có 47 công ty đa cấp đang hoạt động. Hiện còn 8 hồ sơ đăng ký đang trong quá trình thẩm định. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trong 6 tháng năm nay là 3.200 tỷ đồng.