“Chứng nhận và công bố hợp quy” tạo dư địa cho nhũng nhiễu?

(PLO) - Đó là nhận định của đại diện cộng đồng DN Việt Nam về các quy định liên quan đến thủ tục chứng nhận và công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cộng đồng DN Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 30/2011/TT-BTTT ngày 31/2/2011 quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

VCCI dẫn quy định tại Thông tư 30/2011/TT-BTTT, theo đó, thủ tục chứng nhận hợp quy phải qua các bước như sau: Doanh nghiệp phải mang sản phẩm đến đơn vị đo kiểm đã được Bộ TTTT chỉ định hoặc thừa nhận để thực hiện việc đo kiểm (kết quả đo kiểm chỉ có giá trị trong 2 năm); Doanh nghiệp phải mang kết quả đo kiểm đến Tổ chức chứng nhận hợp quy để xin cấp Giấy chứng nhận hợp quy (tổ chức chứng nhận hợp quy này là một đơn vị sự nghiệp được Bộ TTTT giao trách nhiệm); Giấy chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị trong 3 năm (hết 3 năm DN phải thực hiện lại toàn bộ thủ tục trên); Sau khi có Giấy chứng nhận hợp quy, DN phải làm thủ tục công bố hợp quy tại Cục Viễn thông (Bộ TTTT) và phải được cấp Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy.

Cộng đồng DN nhận định, quy trình này là quá phức tạp, mất nhiều thời gian, không cần thiết và gây cản trở đến hoạt động kinh doanh của DN, đồng thời có thể tạo điều kiện cho tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thứ nhất, Tổ chức chứng nhận hợp quy trong Thông tư 30/2011/TT-BTTT chỉ là một tổ chức được Bộ TTTT giao trách nhiệm. Điều này trái với tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định 107/2016/NĐ-CP về dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Theo các văn bản này, chứng nhận hợp quy là một dịch vụ được cung cấp bởi tất cả các DN, tổ chức đáp ứng đủ điều kiện mà pháp luật quy định. Việc Thông tư 30/2011/TT-BTTT quy định chỉ có một tổ chức chứng nhận sự phù hợp đã tạo cơ chế độc quyền cho việc cung cấp dịch vụ này. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua khi làm việc với các bộ ngành đã có nhiều ý kiến về việc tránh tạo độc quyền trong cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

Thứ hai, theo quy định này, việc đo kiểm sản phẩm do DN và đơn vị đo kiểm thực hiện. Tổ chức chứng nhận hợp quy không thực hiện việc đo kiểm, mà chỉ so sánh kết quả đo kiểm với quy chuẩn kỹ thuật và cấp Giấy chứng nhận. Việc so sánh kết quả đo kiểm với quy chuẩn kỹ thuật là việc tương đối đơn giản và rất khó để có sai sót hoặc gian lận. Do đó, việc yêu cầu DN phải làm hai thủ tục (đo kiểm và chứng nhận) tại hai tổ chức khác nhau là không cần thiết. 

Thứ ba, việc quy định thời hạn của Giấy chứng nhận hợp quy là không cần thiết. Toàn bộ các hàng hoá phải chứng nhận hợp quy đều là các thiết bị điện tử, được sản xuất hàng loạt theo từng kiểu loại (model) với thiết kế xác định. Nguy cơ hàng hoá bị suy giảm chất lượng hay sai khác so với thiết kế ban đầu sau 3 năm sản xuất là không đáng kể. Nguy cơ này hoàn toàn có thể tránh được thông qua biện pháp hậu kiểm sản phẩm đã lưu thông mà không cần thiết phải tiền kiểm bằng quy định về thời hạn giấy phép.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi thủ tục chứng nhận hợp quy. Cụ thể, Bộ TTTT chỉ định, thừa nhận, công nhận nhiều DN, tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng đủ điều kiện tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP. Các DN kinh doanh hàng hoá có thể mang sản phẩm của mình đến bất kỳ DN, tổ chức chứng nhận sự phù hợp nào đã được chỉ định, thừa nhận, công nhận để xin cấp Giấy chứng nhận hợp quy.

Bên cạnh đó, DN, tổ chức chứng nhận sự phù hợp chịu trách nhiệm đo kiểm, so sánh kết quả đo kiểm với quy chuẩn kỹ thuật và cấp Giấy chứng nhận hợp quy. Doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận sự phù hợp này sẽ gửi hồ sơ thông báo công bố hợp quy đến Cục Viễn thông. Giấy chứng nhận hợp quy đối với mỗi mẫu sản phẩm có giá trị vĩnh viễn.

Đọc thêm