Công khai các cơ sở sản xuất vi phạm ATTP: Tại sao không?

(PLO) - Hiện nay, tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn diễn ra thường xuyên với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Công khai các cơ sở sản xuất vi phạm ATTP: Tại sao không?

Thông tin từ Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Từ đầu năm đến nay (từ 1/1 - 24/4), cơ quan chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra gần 159.000 cơ sở sản xuất/kinh doanh thực phẩm từ trung ương đến xã, phường. Tổng số cơ sở vi phạm là 31.138 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 19,3 tỷ đồng.

Ngoài các hình thức xử phạt chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động: 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; số cơ sở có nhãn phải khắc phục 231; số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm: 1.482 cơ sở; tiêu hủy 1.590 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 15 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (05 cơ sở vi phạm từ 2 hành vi trở lên), tổng số tiền phạt: 934.310.000 đồng.

Ngoài xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu tạm dừng lưu thông 08 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 02 lô sản phẩm vi phạm về chất lượng; chuyển 06 vụ việc sang cơ quan điều tra; chuyển 02 trường hợp vi phạm về quảng cáo đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông ( năm 2017 chuyển 08 trường hợp); giám sát thu hồi và tiêu hủy 22 loại sản phẩm với gần 102 tấn sản phẩm của 04 cơ sở nhập khẩu sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn theo cảnh báo của Infosan; đồng thời hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương triển khai tháng cao điểm về ATTP từ 15/4 - 15/5/2018, trong đó 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương có sự phối hợp của lực lượng Công an, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm; các địa phương triển khai thanh tra, kiểm tra ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện và xã), kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 sẽ được tổng hợp, công bố công khai theo quy định. 

Trao đổi về vấn đề xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, việc thực hiện nghị định mới về ATTP đã tạo điều kiện thông thoáng tối đa vấn đề tiền kiểm, tập trung vào hậu kiểm. Các doanh nghiệp (trừ 4 nhóm thực phẩm có yêu cầu đặc biệt) tự công bố, tự chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, cơ quan chức năng thực hiện hậu kiểm, phát hiện sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc tự công bố, không có nghĩa là doanh nghiệp thích gì công bố đó, mà phải đạt “trần” giới hạn an toàn mà ủy ban tiêu chuẩn codex đã ban hành. Trách nhiệm doanh nghiệp rất lớn, nếu công bố không đúng đưa ra thị trường, khi cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm không đạt chất lượng không chỉ phạt mà thu hồi, tiêu huỷ, thậm chí xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm. 

Đồng thời cần phải công khai các hành vi, tên của các cơ sở sản xuất vi phạm ATTP để cảnh báo người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng cần thông tin rộng rãi về các cơ sở sản xuất an toàn. Còn nếu xử lý mà không công bố đầy đủ nội dung vi phạm, tên cơ sở vi phạm đến cộng đồng là không đạt yêu cầu.

Đọc thêm