Đeo “Thẻ diệt virus” không tránh được Covid-19

(PLVN) - Với những lời quảng cáo “trên trời”, thẻ đeo diệt virus, vi khuẩn đang “lên ngôi” ở thời điểm này - khi dịch Covid-19 đang khiến nhiều người dân hoang mang. Nhưng thực tế có đúng như vậy?
Đeo “Thẻ diệt virus” không tránh được Covid-19

Rao bán tràn lan “Thẻ diệt virus”?

Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội đã có những quảng cáo “trên trời” về tác dụng của một loại thẻ đeo. Theo nội dung quảng cáo, thẻ đeo này được gọi là thẻ đeo diệt virus với các tác dụng như: Đánh bay 99,99% virus, vi khuẩn lây bệnh, diệt khuẩn, khử mùi, chống ẩm mốc, phòng chống cảm lạnh, cảm cúm. Thậm chí có trang còn khẳng định “đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận kháng khuẩn nên dùng”. 

Kinh khủng hơn, có một trang mang tên “Thẻ đeo virus Nhật Bản” còn quảng cáo “Có sản phẩm này thì Corona cũng không sợ” kèm theo lời dẫn “thẻ này được các y tá, bác sĩ trong bệnh viện tại Nhật dùng”. Và tác dụng của nó thì được ví như một “lệnh bài” khi chỉ cần đeo thẻ thì tất cả các virus không thể tiếp cận các bộ phận trên cơ thể trong bán kính 1m. 

Các loại thẻ này cũng được bán với nhiều mức giá, từ 50.000-380.000 đồng/chiếc. Đã có rất nhiều người tiêu dùng, vì lo lắng dịch bệnh, vì lo lắng lây nhiễm đã không ngần ngại đặt hàng. Có người đặt cho cả gia đình nhưng cũng có người chỉ đặt cho các con. Loại thẻ này được quảng cáo làm từ clodioxide (ClO2) nhưng cũng có trang quảng cáo sản phẩm được điều chế từ thực vật như: trà xanh, gừng, tinh dầu bạc hà, đinh hương… 

Trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, loại thẻ này cũng khá hút khách khi đơn hàng đặt được báo liên tục. Có sàn còn quay một video clip do một người Nhật Bản giới thiệu về sản phẩm này và được dịch với nội dung, sản phẩm này được sản xuất tại Việt Nam với công nghệ được chuyển giao từ công ty mẹ ở Nhật Bản (!?). Vậy thực hư loại thẻ này ra sao? Có được tin dùng ở Nhật Bản hay không? 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu Đức, trợ giảng tại một trường y ở Nhật Bản cho biết, ClO2 là chất khí tan trong nước, hay được dùng để khử vi khuẩn trong nước uống. Không có chứng minh nào chứng minh thẻ này diệt được virus khi ở dạng khí. Với một tấm thẻ nhỏ không có thông số tạo ra nồng độ bao nhiêu, không có luồng khí thì không biết phạm vi diệt vi khuẩn của nó như thế nào và không chứng minh nồng độ đủ diệt vi khuẩn, virus.

Bác sĩ Đức cũng cho biết, các bác sỹ chuyên gia truyền nhiễm của Nhật không biết đến sự tồn tại của loại thẻ này và có khuyến cáo thẻ này không có tác dụng. Đặc biệt lưu ý, khi loại chất này được dùng khử trùng thì thường sử dụng ở nồng độ rất cao nên các cơ quan thường đóng cửa nghỉ ngày khử trùng. Do đó, chưa biết nồng độ thực sự chiếc thẻ này ra sao thì người dân không nên dùng, đặc biệt dùng cho trẻ con và trên xe, trong phòng kín. 

Cần ý kiến từ ngành Y tế

Trước chiêu trò lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, lợi dụng nguy cơ của dịch bệnh để thổi phồng sự thật và tác dụng của chiếc thẻ, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm soát, kiểm tra việc mua bán loại thẻ này.

Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Thanh Xuân đã phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 12 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra một đối tượng có biểu hiện nghi vấn, đang chào bán hàng tại khu vực cổng chợ thuốc Hapulico (85 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân).

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 300 sản phẩm được quảng cáo là “thẻ đeo diệt virus” do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng.

Bước đầu, chủ lô hàng khai nhận số “thẻ chống virus” này được nhập lậu từ nước ngoài và rao bán trên mạng xã hội với công dụng khi đeo thẻ này sẽ làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, virus có hại như virus Corona.

Người này còn khai bán loại thẻ này với giá từ trên 200.000 đồng/chiếc và đã từng bán cả 5-7 cái cho một khách hàng. Trước mắt, lực lượng chức năng đã thu giữ số hàng này do không có hóa đơn chứng từ. 

Trao đổi với Báo PLVN, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, trước những luồng dư luận về việc mua bán loại thẻ này trên mạng xã hội, Cục QLTT Hà Nội đã triển khai 2 đội tiến hành kiểm tra ở 2 địa điểm gồm chợ thuốc Hapulico và khu vực sân bay Nội Bài.

Tuy nhiên, hiện lực lượng QLTT cũng mới chỉ tiến hành thu giữ nếu số hàng hóa này thiếu hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Còn việc sử dụng được hay không thì “cần đến sự lên tiếng từ ngành Y tế” - ông Kiên nói và cho biết thêm, sau khi có ý kiến từ ngành Y tế, nếu việc sử dụng thẻ đeo diệt virus là không đúng thì QLTT Hà Nội sẽ tung lực lượng để kiểm soát mạnh hơn, nghiêm ngặt hơn việc mua bán sản phẩm này.

Đọc thêm