Dịch vụ bưu chính: Cần quy định trường hợp “cần thiết” để “kiểm tra đột xuất?

(PLO) - Góp ý vào dự thảo Thông tư quy định về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang xây dựng, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, nếu không có quy định những trường hợp nào là “cần thiết” để “kiểm tra đột xuất chất lượng dịch vụ bưu chính” thì cơ quan chức năng khó thực hiện hoặc có thể thực hiện tùy tiện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều 8 Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng dịch vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Về thẩm quyền kiểm tra, khoản 1 Điều 8 Dự thảo quy định Bộ TT&TT sẽ kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính trong “phạm vi cả nước”, Sở TT&TT kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính tại “địa phương”. Như vậy, phạm vi kiểm tra của Bộ và Sở sẽ bị chồng lấn đối với việc kiểm tra chất lượng bưu chính ở địa phương. 

“Điều này có thể gây ra hiện tượng, một chủ thể hoạt động bưu chính tại địa phương có thể chịu sự kiểm tra của cả Bộ và Sở. Hơn nữa, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp về nguyên tắc là không giới hạn phạm vi địa lý (doanh nghiệp có quyền hoạt động trên cả nước)” - văn bản góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt) gửi tới Bộ TT&TT nhận định – “Còn trên thực tế, đối với trường hợp cụ thể này, doanh nghiệp trung ương thực tế không có hoạt động dịch vụ bưu chính cụ thể theo địa bàn”.

Vì thế, để hạn chế tình trạng này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị điều chỉnh quy định liên quan theo hướng: Sở TT&TT kiểm tra chất lượng dịch vụ bưu chính tại địa phương và báo cáo với Bộ TT&TT, trên cơ sở báo cáo của các Sở thì Bộ có thể nắm được thông tin về tình hình hoạt động và chất lượng bưu chính công ích trong phạm vi cả nước.

Tại Điều 8 Dự thảo quy định “trường hợp cần thiết, Bộ TT&TT quyết định kiểm tra đột xuất chất lượng dịch vụ bưu chính do các doanh nghiệp cung ứng trong phạm vi toàn quốc” (điểm a khoản 2 Điều 8); “Sở TT&TT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kiểm tra đột xuất chất lượng dịch vụ bưu chính trên địa bàn quản lý” (điểm b khoản 2 Điều 8).

Quy định trên được nhận định là chưa rõ ràng, bởi không xác định được khi nào được xem là “cần thiết” phải kiểm tra đột xuất, hay nói cách khác, những trường hợp nào thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất?  Việc không rõ ràng về các trường hợp này sẽ nảy sinh tình trạng tùy tiện của cơ quan quản lý trong việc tiến hành kiểm tra doanh nghiệp và gây khó khăn cho hoạt động của các chủ thể này. Đây là nội dung mà Dự thảo cần phải điều chỉnh, nhằm quy định rõ các trường hợp cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất (có thể là các trường hợp phản ánh về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích,...).

Liên quan đến quy định về kiểm tra đột xuất, sự chồng chéo về thẩm quyền tiến hành kiểm tra đột xuất, tương tự như chồng chéo về thẩm quyền kiểm tra, cũng cần phải được điều chỉnh lại cho phù hợp. 

Đọc thêm