Lời giải nào cho “bài toán” thiếu điểm trải nghiệm du lịch văn hóa?

(PLO) - Vấn đề trải nghiệm văn hóa trong hoạt động du lịch ở Thủ đô hay các “dịch vụ” đi kèm cùng quá trình trải nghiệm đó không phải đến bây giờ mới được nhắc tới. Nhưng để nâng cao hiệu quả trải nghiệm, chất lượng các hoạt động, chất lượng phục vụ… Trên thực tế vẫn là vấn đề cần phải xem xét. 
Lời giải nào cho “bài toán” thiếu điểm trải nghiệm du lịch văn hóa?

Nhắc đến cụm từ “trải nghiệm” thường người ta xem đó như một mục tiêu, hiệu quả trong hoạt động du lịch. Thực tế, trong nội dung giới thiệu các tour, tuyến du lịch… cụm từ này được nhắc đến như một sợi chỉ xuyên suốt nhằm gây chú ý cho du khách. Chẳng hạn, đó có thể đơn thuần là trải nghiệm đời sống một làng quê thuần Việt, hoặc trải nghiệm cảm giác mạnh với một trò chơi mạo hiểm, trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở khu nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trải nghiệm như đề ra, như mong muốn và như những lời quảng cáo lại hoàn toàn là việc không hề dễ dàng. 

Lấy một ví dụ về làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Cho đến nay, tại địa chỉ du lịch này vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định liên quan đến công tác quản lý, những xung đột quyền lợi giữa cơ quan quản lý với người dân. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội hiếm có điểm du lịch nào tạo được hiệu quả trải nghiệm như nơi này.

 Hiệu quả trải nghiệm du lịch văn hóa ở Đường Lâm có thể thấy được thông qua những giá trị mỹ thuật trong quần thể kiến trúc nhà cổ, sự thảnh thơi khi thăm hệ thống di tích tín ngưỡng đình Mông Phụ, chùa Mía, sự hứng khởi khi tận mắt thưởng thức cách làm các thổ sản địa phương như tương, chè lam…

Thực tế, hầu hết là các điểm du lịch Thủ đô hiện đều cũ. Những phần kết nối để tạo nên “vòng quay trải nghiệm” như ở Đường Lâm gần như mới ở dạng tiềm năng. Chẳng hạn, Cự Khê (Thanh Oai) hiện có tiếng thơm làng cổ nhưng nơi đây gần như không có sản phẩm ẩm thực nào mang tính đặc trưng, khuôn viên kế cận cũng ít thắng cảnh nổi tiếng. Ở các vùng có thắng cảnh nổi danh như chùa Thầy (Quốc Oai) có đặc trưng rối nước nhưng gần như việc quảng bá lại hết sức yếu ớt, không khai thác hết được lợi thế. 

Có thể nói, hiện các vấn đề như thiếu không gian du lịch, thiếu sự xâu chuỗi, cộng hưởng để tạo nên trải nghiệm… đều ít nhiều được ngành Du lịch “chẩn bệnh”. Bởi vậy, theo quy hoạch, phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030 Hà Nội xác định sẽ có sáu cụm du lịch trọng điểm. Bên cạnh công tác định hướng là hàng loạt hoạt động triển lãm, tọa đàm, giới thiệu đi kèm. Như vậy, phương hướng thực hiện đã có, điều cốt lõi mà các cấp quản lý cần quan tâm đến là làm sao để nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất. Chắc chắn sẽ chẳng ai muốn đến hoặc quay lại trải nghiệm ở nơi mà an ninh lộn xộn, môi trường, thực phẩm không đảm bảo, sản vật chỉ bày bán lèo tèo vài thứ mà nơi đâu cũng có với giá mua “cắt cổ”.

Đọc thêm