Mùa chay ăn chay sao cho “lành”?

(PLVN) - Mùa Vu Lan cũng là “mùa chay” của một bộ phận không nhỏ người Việt. Tuy nhiên, những sự cố thực phẩm thời gian qua đã cho thấy, thực phẩm chay cũng tiềm ẩn những nguy cơ có hại cho sức khỏe, nếu như ăn uống thiếu khoa học.
Hình minh họa
Hình minh họa

Thời điểm này, nhiều người, nhiều gia đình, đặc biệt là những người Phật tử đã bước vào “mùa chay”. Trong nhà Phật, ăn chay mang ý nghĩa giảm bớt sát sinh, như một sự tôn trọng bình đẳng sinh mạng của muôn loài. Ăn chay cũng là nhằm nuôi dưỡng thêm từ bi, bớt đi sát ý. Với nhiều người dân, việc ăn chay thường gắn liền với những lời nguyện, mong cầu về sức khỏe, bình an, hạnh phúc giành cho bản thân, cho gia đình, người thân.

Có mặt tại siêu thị Co.op Mart Xa lộ Hà Nội ngày 1/9, bà Nguyễn Thị Mỹ Trâm, 50 tuổi, ngụ đường Lê Văn Việt, quận 9 chia sẻ, bà đi mua sắm chủ yếu là thực phẩm chay đóng gói sẵn, bắt đầu từ ngày rằm tháng 7, tức ngày 2/9 thì cả gia đình sẽ ăn chay hết tháng.

Các thực phẩm bà mua bao gồm chả giò chay, các loại chay giả thịt như thịt bò chay, heo chay, cá thu chay, xíu mại, há cảo, tàu hủ ki đông lạnh… Theo bà Trâm, do gia đình ai cũng bận rộn đi làm, nên những sản phẩm chay đóng hộp rất tiện dụng, không cần sơ chế, chỉ rã đông hoặc ngâm nước, chiên kho… là có bữa ăn tươm tất.

Tương tự, nhiều người dân khi lựa chọn sản phẩm chay cho mình cũng mua những thức ăn đóng hộp có sẵn ở chợ, tạp hóa hoặc mua sản phẩm chay “thủ công” trên mạng… Phải thừa nhận rằng, những thực phẩm này có màu sắc, hình dáng bắt mắt khi làm “nhái” thực phẩm mặn, lại cực kì tiện dụng, đỡ mất thời gian. Vì thế, đa phần người ăn chay lựa chọn là điều dễ hiểu. Cạnh đó, nhiều người thường chọn các quán ăn chay bình dân với giá tiền 15 - 20 ngàn/ suất, đáp ứng tiêu chí “ngon bổ rẻ”.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, nếu ăn chay thường xuyên, thì việc lựa chọn các thực phẩm đóng gói, làm sẵn chưa chắc đảm bảo dinh dưỡng cho người ăn chay. Đa phần sản phẩm chay đóng gói dù với hình thức và tên gọi khác nhau như bò chay, heo chay, đùi gà chay hay cá sốt chay thì thành phần cũng từ bột mì và bột đậu nành. Vì vậy, khi chế biến thêm gia vị ăn có vẻ ngon miệng, thực chất không có nhiều dinh dưỡng, ăn nhiều lại có nguy cơ béo phì, tim mạch.

Đó là chưa kể đến những sản phẩm chay đóng gói trôi nổi, không nguồn gốc rõ ràng, hàng bán trên mạng chưa rõ quy trình sạch hay bẩn, có khả năng nhiễm khuẩn hay không… Cạnh đó, sản phẩm chay pha chế sẵn hay bán sẵn thường lạm dụng chất tạo ngọt, chất điều vị cho khẩu vị ngon hơn, vì thế mà cũng gây tác hại cho cơ thể hơn.

Hiện, cũng có nhiều ý kiến xoay quanh việc “món chay giả mặn”, bởi giờ đây xuất hiện quá nhiều những sản phẩm chay bán sẵn với tên gọi và hình dáng như món mặn thật, thậm chí có cả… tiết canh chay, nhìn như thật. Câu hỏi đặt ra là, ăn chay nhưng với cái tâm vẫn thèm món mặn, hướng về món ăn mặn thì có nên không?

Việc ăn chay là sự tự nguyện để nuôi dưỡng thiện tâm của mỗi người, vậy tại sao không ăn chay bằng những thực phẩm đơn giản, gần gũi và bổ dưỡng, như rau, như nấm, đậu, khoai… với chính tên gọi thực sự của nó. Đó mới chính là cách ăn chay “lành” cho cả sức khỏe lẫn tâm hồn.

Đọc thêm