Người dân không nên ăn nấm lạ để phòng ngừa ngộ độc nấm

(PLO) - Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm, rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển, trong đó có cả các loài nấm độc. Vậy nhưng, dù đã được cảnh báo rất nhiều lần về tình trạng ngộ độc nấm do người dân ăn phải nấm độc nhưng  dường như vẫn còn nhiều gia đình chủ quan dẫn đến những cái chết thương tâm.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Mới đây, vào chiều 22/3, ba bệnh nhân trong cùng một gia đình ở Chi Lăng, Lạng Sơn đã phải chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nặng do ăn phải nấm độc. Xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân bị tổn thương gan nặng và suy gan, suy thận cấp. Các bệnh nhân được chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ chất độc, điều trị suy thận…

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân Chu Văn Vinh, 30 tuổi (con trai) vẫn không tiến triển, tình trạng xấu nên gia đình đã xin về vào chiều 27/3. Còn người bố là Chu Văn Mai hiện vẫn đang trong tình trạng nặng, đe dọa tính mạng. Chỉ có người mẹ là Hà Thị Cúc thì tiến triển tốt, bác sĩ khẳng định 90% đã thoát khỏi cửa tử.  

Cùng với việc rước bệnh vào người, thậm chí mất mạng vì ăn phải nấm độc, gia đình bệnh nhân có thể còn rơi vào cảnh khánh kiệt vì chi phí điều trị lên tới 20-30 triệu đồng/người/ngày khi không có bảo hiểm y tế. 

Theo các bác sĩ, so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Những loại nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc. 

Để tránh những trường hợp thương tâm như trên, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo cách phòng ngừa và xử trí khi bị ngộ độc nấm. Theo đó, người dân cần biết ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời. Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm. 

Để dự phòng ngộ độc nấm, người dân cần xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm. Nếu dưới 6 tiếng thì điều trị ở xã, huyện, nếu hơn 6 tiếng thì gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu.

Để an toàn, người dân chỉ sử dụng khi biết chắc chắn là nấm ăn được. Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc), đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, giập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Đọc thêm