Sửa một lúc 6 luật thuế: Cần sự đồng thuận ngay từ đầu!

(PLO) - Rất thông cảm với “gánh nặng” của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng với việc đề xuất sửa đổi,  bổ sung cùng một lúc 6 luật thuế , Bộ Tài chính đã rất “dũng cảm”, song việc sửa đổi này cần được nhìn dưới nhiều góc độ và quan trọng cần được đồng thuận ngay từ ban đầu…
Sửa một lúc 6 luật thuế: Cần sự đồng thuận ngay từ đầu!

Vấn đề được đề cập tại Tọa đàm Khoa học“Đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi các luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) tổ chức hôm 9/5...

Doanh nghiệp, người dân “đánh cược“ với chính sách thuế

“Rất chia sẻ với “gánh nặng” của Bộ Tài chính. Quan điểm của chúng tôi là nền kinh tế ổn định tốt, nếu tăng trưởng duy trì trên 7% có thể khẳng định Việt Nam bước vào quỹ đạo mới. Nhưng một trong những biến cố vĩ mô lớn là nợ công và thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, chính sách phải nhìn dưới góc độ đa chiều, nhất là nền kinh tế ngày càng tiến tới nền kinh tế hiện đại, đa chiều thì dư địa chính sách ngày càng hạn hẹp và để có được chính sách tối ưu cần có đề xuất chính sách tốt và tạo được sự đồng thuận ngay từ đầu…”- GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD bày tỏ quan điểm về đề xuất sửa đổi 6 luật thuế: Thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trước bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao như hiện nay, đặc biệt là tài khóa ngày càng trở nên thiếu bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế mới, trong chưa đầy 1 năm qua, Bộ Tài chính đã ba lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế như thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu; thuế GTGT; và áp thuế TTĐB với nhiều loại hàng hóa. Những đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và cần được làm rõ lý do cũng như những tác động đến tổng thể nền kinh tế.  

“Việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất sửa 6 sắc thuế trong một năm là một sự quá dũng cảm và ôm đồm. Điều cần là làm sao không tăng thuế mà vẫn tăng thu, không tăng chi phí mà vẫn tăng thu thì mới là quản lý siêu. Tăng thu để giảm thâm hụt là biện pháp đơn giản, là biện pháp muôn thưở... - “GS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD lên tiếng.

Chưa bàn đến nội dung sửa đổi, chuyên gia kinh tế, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, các luật thuế được đề nghị sửa đổi lần này mới chỉ có hiệu lực trong thời gian hơn 1 năm và nay lại được điều chỉnh. “Điều này cho thấy chính sách thuế không ổn định, thay đổi liên tục. Việc sửa đổi, bổ sung 6 luật thuế lần này làm cho nhà đầu tư và người dân sẽ băn khoăn liệu sau kỳ sửa đổi, bổ sung lần này thì chính sách thuế này sẽ tồn tại trong bao lâu nữa? Dường như nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với nhà làm chính sách thuế…”- ông Long phát biểu.

Mức động viên thuế còn xa so với mục tiêu chiến lược

Không bình luận về “tần suất“ sửa đổi, bổ sung các luật thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) liệt kê một loạt luật thuế được ban hành, sửa đổi trong giai đoạn 2011- 2017. Cụ thể: Ban hành Luật Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) 2010, hiệu lực từ năm 2011; Ban hành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2011; Ban hành Nghị quyết về Biểu khung thuế suất thuế tài nguyên (2013, 2015); Nâng thuế suất BVMT (2015: Xăng dầu); Sửa đổi Thuế GTGT vào các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016; Sửa thuế TTĐB 2014, 2015 và 2016; Sửa Thuế TNDN: sửa 2013, 2014, 2015; Sửa Thuế TNCN: Sửa 2013, 2015.

“Nhưng xin thưa rằng mức động viên thuế còn cách xa mục tiêu mà chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đặt ra…”- ông Phụng Lưu ý.

Cụ thể, theo chiến lược, trong giai đoạn 2011-2015, tỉ lệ đóng góp của thuế trên GDP là 23-24%, trong đó thu từ thuế phí, lệ phí đạt 22-23% GDP. Nhưng, trên thực tế, mức động viên thu ngân sách trong giai đoạn này đạt 23,7% GDP, trong đó thu từ thuế chỉ đạt 18,1% GDP.  Nguyên nhân được chỉ ra là do mấy năm qua chúng ta đang dựa vào đất rất nhiều. Nếu tính thu cả đất thì đạt 23,7% GDP, còn bỏ đất ra thì chỉ được hơn 18,1%. Do đó, trong những năm tới, theo ông Phụng, Bộ Tài chính cần sửa đổi, bổ sung một số luật thuế.

Ông Phụng cũng lưu ý đến nguyên lý 80-20, tức là 20% người người giàu đang tiêu dùng, nắm giữ 80% của cải xã hội trong khi 80% người nghèo chi tiêu mua sắm ít và chỉ nắm giữ có 20% của cải xã hội. Vì thế theo ông Phụng, nguyên tắc là “khi cần tăng thuế là nhắm vào người giàu”, tăng thuế GTGT là như thế.

“Chúng tôi rất hiểu những áp lực đang đặt lên Bộ Tài chính. Hiện đang có nhiều ý kiến phản biện cho thấy còn thiếu cơ hội để “đối thoại chính sách” giữa đại diện của Bộ Tài chính và các chuyên gia kinh tế, đại diện cho DN và người dân, đại diện cho những đối tượng thụ hưởng cũng như bị ảnh hưởng bởi chính sách”, GS, TS. Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD phát biểu. 

“Tôi rất chia sẻ với Bộ Tài chính. Bộ phải tính đến cách tăng thuế vì thâm hụt ngân sách lớn, nợ công cao, chi thường xuyên lại càng cao chiếm tới 88% chi ngân sách. Trên thế giới không nước nào chi thường xuyên cao thế. Đầu tư công thì không hiệu quả, lắm thất thoát. Nhưng Bộ Tài chính không có quyền cắt giảm biên chế ai cả, không có quyền giảm đầu tư công, càng không có quyền với những dự án đầu tư không hiệu quả... Nhưng muốn thu được thuế thì phải giải thích cho người dân hiểu, đề xuất đưa ra phải thuyết phục. Khi đề xuất chính sách hợp lý, người dân hiểu họ sẽ đồng thuận...” . (Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh)  

Đọc thêm