Tính toán chi phí tiết kiệm được: Bao giờ mới được lấy làm căn cứ tính phí BOT?

(PLO) - Theo các chuyên gia, việc tính toán chi phí tiết kiệm được cho từng phương tiện giao thông đã được thực hiện tương đối đầy đủ khi thuyết minh hiệu quả KT-XH của dự án trong quá trình lập báo cáo khả thi và thiết kế dự án, tuy nhiên những con số này đang bị bỏ phí khi cả hai phương pháp tính phí BOT hiện hành đang trở nên bất cập, gây bất ổn kinh tế - xã hội KT-XH…
Chủ phương tiện phản đối tại BOT Cai Lậy. Ảnh minh họa
Chủ phương tiện phản đối tại BOT Cai Lậy. Ảnh minh họa

Góp ý vào dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng  phương pháp xác định giá tối đa sử dụng dịch vụ BOT hiện nay là rất bất cập và đề xuất một phương pháp tính mức giá tối đa mới dựa trên chi phí tiết kiệm được… 

Thu lấy được?

Theo VCCI,  dự thảo không đưa ra phương pháp thu mới mà vẫn trên cơ sở Thông tư 35/2016/TT-BGTVT, tức là xác định giá tối đa theo phương pháp toàn tuyến và theo chiều dài đường hiện có.

Cụ thể, phương pháp giá toàn tuyến (giá theo lượt) thường được áp dụng cho những dự án thu phí mở và hầm đường bộ. Cách tính giá này hoàn toàn không quan tâm đến chiều dài tuyến đường, chất lượng đường, tốc độ và thời gian lưu thông trước và sau khi có dự án đường bộ…

Còn phương pháp theo chiều dài đường (giá theo chặng) thường được áp dụng cho những dự án thu phí đóng. Mặc dù giá đã được xác định dựa vào chiều dài tuyến đường, nhưng các yếu tố về chất lượng đường tốc độ và thời gian lưu thông… vẫn chưa được cân nhắc xem xét.

Các phương pháp này không giải quyết được tình trạng thu phí quá cao của một số dự án cải tạo, tăng cường mặt đường. Trong trường hợp đường cũ vẫn còn tốt, đang được đi miễn phí, chủ đầu tư chỉ thực hiện việc cải tạo, tăng cường mặt đường mà vẫn được thu giá với mức tối đa là rất bất hợp lý.

Thực tế này không chỉ gây ra những phản ứng tiêu cực từ phía chủ phương tiện, mà còn không khuyến khích được chủ đầu tư bỏ vốn vào các dự án giao thông quan trọng, mang lại giá trị KT-XH lớn.

Nguyên nhân được VCCI chỉ ra là do xuất phát từ việc căn cứ tính mức giá thu đã bỏ qua hoàn toàn các yếu tố về chất lượng giao thông trước khi có dự án. Tổ chức này đề xuất Cơ quan soạn thảo áp dụng phương pháp tính giá sử dụng đường bộ cho mỗi phương tiện giao thông dựa trên “chi phí vận tải tiết kiệm được” của phương tiện đó…

Mới nhưng… không mới

Theo phương pháp tính giá sử dụng đường bộ dựa trên “chi phí vận tải tiết kiệm được” mà VCCI đề xuất, khi cần xây dựng một dự án giao thông đi từ A đến B, các bên liên quan sẽ phải tính toán chi phí vận tải trung bình của một phương tiện khi đi từ A đến B trên đường cũ, bao gồm chi phí khấu hao xe, chi phí nhiên liệu, chi phí thời gian đi lại… Sau khi dự án giao thông được thực hiện, chi phí trung bình để phương tiện đó đi từ A đến B sẽ giảm xuống. Như vậy, nhờ dự án đường bộ đó, chủ phương tiện được lợi một khoản “chi phí vận tải tiết kiệm được”. Chủ đầu tư dự án được phép thu giá dịch vụ bằng một tỷ lệ nhất định trên khoản chi phí tiết kiệm được này, nhưng giá thu không bao giờ được phép vượt quá chi phí tiết kiệm được.

Theo VCCI, phương pháp chi phí tiết kiệm được sẽ mang lại một số lợi ích. Đó là mức giá luôn “chấp nhận được” đối với chủ phương tiện, do chủ đầu tư chỉ được phép thu giá bằng 50% những gì chủ phương tiện được hưởng lợi, nên chủ phương tiện luôn được hưởng lợi 50% giá trị còn lại. Phương pháp này cũng phù hợp với mọi loại dự án bao gồm dự án xây dựng đường mới, nâng cấp cải tạo đường bộ, dự án cầu, hầm đường bộ. Do phương pháp này xem xét cả chất lượng hiện trạng giao thông trước dự án nên không gây ra tình trạng “cải tạo đường cũ, thu phí như đường mới”.

VCCI cho hay VCCI đề xuất  phương  pháp này trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tham vấn ý kiến của một số chuyên gia, đồng thời khẳng định việc thay đổi sang phương pháp mới là khả thi và có cơ sở khoa học.

Thực thế việc tính toán chi phí tiết kiệm được cho từng phương tiện giao thông đã được thực hiện tương đối đầy đủ khi thuyết minh hiệu quả KT-XH của dự án trong quá trình lập báo cáo khả thi và thiết kế dự án. Tuy nhiên, các thông tin này hiện mới chỉ nhằm để quyết định có đầu tư dự án hay không, chứ chưa được sử dụng làm căn cứ quyết định mức giá sử dụng đường bộ.

Theo các chuyên gia, đã có nhiều nghiên cứu về phương pháp tính toán chi phí vận tải trung bình của mỗi phương tiện. Nhiều cơ quan quản lý giao thông, viện nghiên cứu về chính sách giao thông tại các nước trên thế giới cũng đã phát triển nhiều phương pháp để tính toán chính xác chi phí này.

Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp chi phí tiết kiệm được thì các số liệu đầu vào phải được thu thập một cách chính xác và khách quan. Quá trình này cần phải được công khai và có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm chủ đầu tư, Bộ GTVT, UBND các cấp tại địa phương, Hiệp hội DN vận tải tại các địa phương có liên quan… 

Trong văn bản góp ý, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về xác định giá tối đa đối với các dự án giao thông đường bộ có thu tiền như sau:

- Giá tối đa được xác định dựa trên tỷ lệ phần trăm của chi phí tiết kiệm được.

- Nghiên cứu và quy định cách tính chi phí tiết kiệm được.

- Quy định có sự tham gia của nhiều bên, trong đó nhất thiết phải có các hiệp hội DN vận tải trong việc thu thập các thông tin đầu vào phục vụ quá trình tính toán.

- Quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi của chủ đầu tư đã ký hợp đồng.

Đọc thêm