Tín hiệu đáng mừng từ dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

(PLVN) -  Hôm qua (29/10), thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trước Quốc hội.
Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lần sửa đổi này thể hiện tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.

Việc sửa đổi Luật cũng nhằm bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”…

Có nhiều nội dung sửa đổi đáng quan tâm như phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A; gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách; cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập...

Những điểm mới của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) khiến mọi người nhớ đến một sự kiện, là ngày 24/7, khi chủ trì cuộc họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ yêu cầu quy định pháp luật phải “rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả và sản phẩm”.

Một trong những nguyên tắc xây dựng pháp luật là phải tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, từ đó có các quy định có thể huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển đất nước theo đúng mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đó là đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao.

Cắt giảm TTHC, chấm dứt cơ chế xin - cho, giảm phiền hà cho các cơ quan, người dân, DN; giảm chi phí tuân thủ khi phải thực hiện các TTHC. Tinh thần cải cách hành chính Chính phủ yêu cầu thực hiện là xu thế văn minh.

Trở lại với Luật Đầu tư công, là đạo luật hết sức quan trọng. Những sửa đổi đáng chú ý như nêu trên chắc chắn sẽ góp phần hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý toàn diện trong triển khai kế hoạch đầu tư công, giảm thiểu TTHC; giảm thiểu sự lúng túng, e ngại của các Bộ, ngành và địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, sớm đưa các công trình, dự án vào khai thác, sử dụng nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đọc thêm