Tín ngưỡng thờ cúng gia tiên của người Mường và người Việt ở Phú Thọ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phú Thọ là nơi ra đời nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt, hay còn gọi là người Việt cổ, Việt Mường. Tuy thế người Việt Mường cũng ở xen kẽ với người Tày cổ ở hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Thao (đoạn sông Hồng từ Yên Bái về Việt Trì). Bộ tộc người Tày cổ ở đây đã ly khai với Thục Đế về theo vua Hùng. Đến thời Hùng Duệ Vương, họ theo vua Hùng thứ 18 đánh nhau với Thục Phán.
Một nghi lễ cúng dịp Tết của người Mường ở Phú Thọ
Một nghi lễ cúng dịp Tết của người Mường ở Phú Thọ

Phân biệt người Mường trong – Mường ngoài

Thời tiền sử và suốt lịch sử cổ đại, người Việt Mường và người Tày cổ đã có nhiều nhóm thiên di về xuôi khai phá trung châu, vùng đồng bằng Bắc Bộ. Do tiếp biến văn hóa với các tộc người từ phương Bắc xuống và ngoài biển vào mà họ trở thành người Kinh. Cư dân cổ trụ lại ở Phú Thọ trở thành người Mường và người Tày tách ra khỏi hai nhóm ngữ hệ Việt - Mường và Tày - Thái cổ.

Nhưng rồi vùng đồng bằng do đất hẹp, người đông, do chiến tranh hoặc do có tội với làng với nước, từng nhóm người Kinh lại thiên di lên Phú Thọ để sinh sống. Họ lập thành nhiều làng mới. Đến thời tiền Lê triều đình quy định tên gọi các điểm cư trú của người Mường, người Tày là các động man, đó là cách gọi phiếm chỉ theo quan niệm Nho giáo phong kiến gọi người thiểu số là man di. Thế rồi người Kinh từ xuôi lên ngày càng đông. Họ không chỉ ở các làng xóm của người Kinh mà còn xen lẫn ở trong các động man.

Điều này làm cho cư dân gốc các động man ở ven bờ sông Thao, sông Đà, sông Lô cũng bị tiếp biến văn hóa mà trở thành người Kinh. Riêng người Mường ở sâu trong vùng núi cao do ít bị tiếp biến văn hóa mà họ vẫn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa Lạc Việt hơn để trở thành người Mường-người “trong” khác với người Mường “ngoài”-người Kinh.

Do đặc điểm nguồn gốc tộc người ấy mà văn hóa nói chung, tín ngưỡng của cư dân Phú Thọ nói riêng có nhiều nét tương đồng.

Vùng Đất Tổ phổ biến tín ngưỡng thờ thần, tín ngưỡng thờ lúa, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Hùng Vương, thờ các nhân vật thời Hùng Vương và thời Hai Bà Trưng… Nhưng tín ngưỡng bản địa phổ biến và sâu rộng nhất ở cả người Việt và người Mường là tục thờ gia tiên.

Đã là gia đình người Việt thì dù giàu hay nghèo, nhà ngói cây mít hay mái lá, mái gianh, nhà nào cũng phải có bát hương thờ cúng gia tiên. Bát hương, bài vị, long ngai, mâm bồng, đài hoa, cây nêu, tùy nhà giàu sắm nhiều, nhà nghèo chỉ có bát hương bày trên bàn thờ hoặc đặt sơ sài trên nóc tủ, mặt hòm cao, hoặc mảnh ván đóng ép vào tường làm nơi thờ cúng…

Nhà sàn của người Mường ở Phú Thọ.
Nhà sàn của người Mường ở Phú Thọ.  

Người Việt vì ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, coi trọng đăng đối lấy gian giữa làm gian thiêng liêng để thờ cúng gia tiên nhưng người Mường khác, do quan niệm có gốc mới có ngọn nên người Mường lấy gian đầu cầu thang lên làm gian gốc, gọi là gian thờ. Cột cái gian gốc ở nhà sàn Mường có tên là cột chồ, còn gọi là cột thờ vì ở ngang vách sát cột thờ, người Mường làm bàn thờ gia tiên treo ra ngoài vách.

Người Mường khi làm nhà phải đi tìm khai thác về cây gỗ làm cột chồ đầu tiên. Khi dựng nhà cũng dựng cột chồ đầu tiên. Nếu bán nhà không được bán cột chồ. Kiêng không được ngồi dựa lưng, không được đóng đinh mắc áo, không được nằm đạp chân lên cột chồ, cột thờ. Cạnh đầu cột thờ sát mái nhà còn cài mảnh ván làm nơi thờ dòng dõi tổ tiên, nếu đấy là các nhà cái nhà đích tôn, con trưởng.

Tục thờ cúng gia tiên

Dân ta vốn coi trọng ngày chết hơn ngày sinh. Coi trọng ngày giỗ chứ không tổ chức sinh nhật ồn ào như các nước Âu Mỹ là vì dân ta coi trọng cuộc sống. Thực tế tâm lý người Việt coi sống là ở, chết là đi chứ không quan niệm sống gửi thác về như các dân tộc khác. Vì thế khi có người chết ta nói người ấy đi rồi. Khi xưa sinh nhiều sống ít, mười thóc mới được một gạo nên người ta càng mong sự sống. Tín ngưỡng là để cầu mong cho con người khỏe mạnh, sống lâu ăn nên làm ra. 

Do mong sống lâu nên dân ta có truyền thống trọng lão. Do trọng lão mới có tục khao lão cho những người hưởng lão từ 50 tuổi đổ lên. Vì coi trọng đời sống con người, nên cúng giỗ là để tạ ơn người lúc sống đã từng có công lớn với gia đình con cháu. Còn cúng giỗ nói chung (cả người chết trẻ) còn có ý nghĩa cho người chết vừa lòng mà phù hộ người sống, không gieo tai họa cho người sống.

Tín ngưỡng gia tiên chính là thờ cúng ông bà cha mẹ đã chết. Nếu gia đình có người chết trẻ gọi là bà cô, ông mãnh thì người ta lập bàn thờ riêng ở đốc nhà. Nếu thờ chung trong bàn thờ gia tiên cả nhà Kinh và nhà Mường thì ảnh phải treo dưới ảnh ông bà, cha mẹ, bát hương cũng nhỏ hơn đặt dưới các bát hương khác. Ngày nay cả người Mường và người Việt thờ người nào thì treo ảnh người ấy lên bàn thờ, trước kia nhà giàu làm bài vị để thờ. Một bàn thờ thờ nhiều người, người nào vai trên thì ảnh thờ hay bài vị, bát hương để trên. Tín ngưỡng gia tiên khác với tín ngưỡng cộng đồng thờ vua vì vua thờ ở vị trí cao nhất, bố mẹ vua có thể thờ ở bên cạnh hoặc vị trí dưới.

Trước khi có tín ngưỡng gia tiên, dân tộc ta đã rất phát triển tục thờ vật tổ, tô tem giáo. Tục này có từ thời thị tộc tảo kỳ. Ở thời kỳ quần hôn, theo quy định của bộ lạc thì đàn ông của thị tộc nọ đến giao hoan với đàn bà của thị tộc kia. Tuy thế người ta chưa đủ nhận thức do giao hoan mới sinh con đẻ cái. Người ta mới chỉ biết có người mẹ là người sinh ra cả bầy đàn. Vậy người cha kia là ai?

Từ câu hỏi ấy mà mỗi bộ tộc tự giải thích vật tổ hay cha mình là loài gì, con gì, cây gì. Tô tem giáo ra đời do yêu cầu hiểu biết trên. Tục thờ tô tem còn lưu lại rất đậm ở xã hội Hùng Vương. Mặc dù sau này con người đã đủ hiểu nhờ có cha kết hợp với mẹ mới có mình nhưng tục thờ “vật tổ” cũng không vì vậy mà bị loại bỏ. Vật tổ không phải là cha nhưng ở mỗi nhóm người lại có cách giải thích khác nhau như con vật nọ, loài cây nọ đã từng cứu sống tổ tiên họ nên họ vẫn phải cầu thờ.

Ngày nay các họ Mường ở Phú Thọ vẫn rất coi trọng tục thờ tô tem. Họ Hà này thì thờ con cuốc. Họ Đinh kia thì thờ con rắn. Một họ Đinh khác lại thờ con nai… Họ nào cũng vẽ “vật tổ” gọi là tranh họ. Khi có người chết tranh họ được cắm ở bát cơm quả trứng đặt trên chốc quan tài. Khi chôn quan tài, lấp đất đến đâu lôi tờ tranh họ lên đến đấy. Cuối cùng tranh họ được cắm lên nóc mộ. Người Mường không ăn thịt “con họ”.

Thậm chí gặp “con họ” chết, họ còn chôn cất như chôn cất người. Từ thờ tô tem mà người ta sau này mới coi trong tục thờ cúng gia tiên. Người Kinh do thiên di ngược xuôi, cuộc sống nhiều biến động, giao lưu nhiều luồng văn hóa nên tục thờ tô tem đã bị lãng quên và bãi bỏ…

(Còn tiếp)

Đọc thêm