Phong tục cúng giỗ tưởng nhớ tổ tiên
Dân ta xa xưa chưa có chữ viết, chưa có gia phả nên không thể nhớ nổi tên tuổi các đời cụ kỵ về trước. Do tuổi thọ những nhà Việt phúc đức lắm mới có “tứ đại đồng cử”, bốn đời sống với nhau. Khi cụ bốn đời còn sống thì con cháu theo sai bảo của cụ mà làm lễ cúng giỗ các cụ bề trên nhưng khi cụ bốn đời ấy mất đi thì con cháu chỉ còn lập bát hương bài vị thờ và cúng giỗ cụ, còn các cụ từ đời thứ 5 thì con cháu do không được biết mặt, không có ràng buộc kinh tế đời sống, không kỷ niệm gì về nhau nên bài vị đem chôn, “ngũ đại mai thần chủ”, hết cúng giỗ. Các cụ được con cháu khấn chung, mời về hưởng chung trong mọi đám giỗ chạp, cầu cúng tết nhất của các gia đình con cháu.
Người Mường sau bốn đời con cháu không còn quan hệ họ hàng huyết thống. Con cháu chung ông bà bốn đời cùng góp lễ cúng giỗ. Lúc sống ông bà sống với người con nào thì người con ấy đăng cai cúng giỗ bố mẹ, ông bà ở nhà mình. Những người khác góp lễ rồi cùng cúng và ăn uống ở nhà đó. Người Kinh và người Mường đều như nhau ở tục này. Các cụ từ đời thứ 5 xếp lên hàng tổ tiên được con cháu đời về sau gọi là “cao tằng, tổ tỉ”, có bất cứ lễ lạt gì của gia đình các cụ đều được mời về dự.
Người Mường không làm nhà từ đường thờ tổ họ, không giỗ họ. Nhưng các nhà con trưởng gọi là nhà cái hàng đích tôn của các gia đình, vì thế đều phải lập bàn thờ dòng dõi để thờ tổ tiên, thờ tượng trưng chỉ bằng mảnh ván nhỏ hoặc phên nứa bên trên để bát nước, bó vàng hương bằng gỗ chẩu chẻ nhỏ như ngón tay dài 15 - 20cm. Có nơi thay gỗ chẩu bằng cái dòng dõi, là cái xúc xích nan nứa, cuộn tròn lồng vào nhau như cái xích, mang ý nghĩa là tổ tiên đời đời dòng dõi.
Hàng năm vào ngày 25 Tết âm lịch người ta thay bát nước mới, thắp ba nén nhang khấn mời tổ tiên về ăn cỗ. Theo người dân kể lại, một nhà cái ở xã Thượng Long, huyện Yên Lập và một nhà cái ở xã Tân Lập huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cách đây 15 năm còn thấy họ cúng ở bàn thờ dòng dõi, khấn gọi vua Hùng đầu tiên, sau đó gọi đến tổ tiên cao tằng tổ khảo.
|
Tín ngưỡng thờ cúng, giỗ Tổ Hùng Vương của người dân Việt Nam. |
Người Kinh khác với người Mường ở chỗ đều giữ mả tổ, lập nhà từ đường thờ tổ họ. Người Kinh có tổ chức họ. Khi xưa lịch sử luôn biến động, con người nhiều khi mai danh ẩn tích lên sống ở Phú Thọ. Phần nhiều con cháu người Kinh không nhớ quê gốc, họ hàng gốc gác cũng phải giấu kín. Đến đây họ mới sinh con đẻ cái. Con cháu về sau coi các cụ đó là tổ họ. Giỗ họ hằng năm đều phải gọi tên húy tên kỵ của các cụ, sau một vài chục đời tên các cụ vẫn lưu truyền trong con cháu. Phần nhiều họ chỉ nhớ tên tổ họ còn các cụ khác từ đời thứ 5 đổ trở về trước thì ít ai nhớ đến.
Cũng vì có tổ chức họ nên người Việt hằng năm mới có lễ chạp họ (lễ làm vào tháng chạp). Lễ này người Việt chỉ làm vào tuần cuối tháng chạp, từ 25 Tết đổ đi. Con cháu tề tựu ở nhà từ đường, thường là ở nhà trưởng họ để làm lễ cúng tổ tiên. Thông thường người Việt làm lễ chạp họ nhân dịp đi quét mả, dọn vệ sinh, đắp mộ cao hơn hoặc quét vôi mồ mả tổ tiên đồng thời khấn mời các cụ về ăn tết.
Khác người Kinh, người Mường không có tổ chức họ, không có nhà từ đường thờ tổ họ nên không có lễ chạp họ, không có tục đi đắp mả, rẫy cỏ cho mồ mả vì không có mả tổ. Người Mường giống như nhiều tộc người ở rừng khác do xa xưa du canh du cư nên người ta chỉ coi trọng phần hồn hơn phần xác. Mồ mả vì thế không được coi trọng như người Việt. Người Việt coi trọng mồ mả nên mới có câu “Sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả bát cơm”.
Nghi thức tiễn biệt người quá cố
Tín ngưỡng gia tiên được tính từ lễ tang ma. Người Việt và người Mường chung nguồn gốc nên có cùng quan niệm chết chưa phải là hết, các hồn ma vẫn lởn vởn quanh con cháu để quở mắng hoặc phù hộ cho con cháu đang sống ở trên đời. Vì thế nhiều tục lệ tang ma khá giống nhau giữa hai nhóm tộc người này.
Khi có người chết họ đều cúng ngay bằng bát cơm quả trứng, cắm đũa bông vào bát cơm. Quả trứng do gà đẻ trên cạn là dương, bát cơm bằng gạo cấy trồng trong nước là âm, thân đũa tượng hình dương tính là dương, phần bông trên đầu đũa biểu hiện vật âm. Khi cái chết cũng như mọi cái có đủ âm đủ dương thì sẽ tốt, sẽ phù hộ cho con cháu được nhiều hơn.
Do vậy phần nhiều lễ nghi tang ma của hai dân tộc khá giống nhau do quan niệm sống chết giống nhau, nhưng khác nhau là ở các nghi thức cách làm riêng. Thi hài người Việt khi chết có lâu lắm cũng chỉ để trong nhà dăm bảy ngày phải mai táng. Việc làm ma to hay nhỏ là do hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình quyết định. Nhưng việc cúng to, nhỏ thì đều tuần nào tiết ấy: cúng tam nhật, cúng sóc, vọng tuần đầu, cúng 49 hoặc 100 ngày v.v... Nhưng người Mường có thể để thi hài người chết ở trong nhà hai ba tháng chờ con cháu có đủ lợn, gạo, rượu mới tổ chức mai táng và làm ma cúng tế người chết.
Tục cắt tóc trả ơn có từ xa xưa nay vẫn được bảo lưu trong vùng Mường. Khi cha mẹ, ông bà quá cố con cháu quỳ quanh cái nong, một chân ở trong nong, một chân để ngoài đất. Trong nong có bát nước lã và cái kéo. Có một bà hàng xóm dùng kéo cắt tượng trưng một lọn tóc lần lượt từ người vai trên xuống người vai dưới. Người Kinh cũng nói câu “cắt tóc trả ơn” nhưng tục này đã bỏ. Người Kinh cũng có tục đem của chôn theo người chết gọi là đồ tùy táng như quần áo, con dao, cái bát, cái kính…
Tục đốt vàng mã để thay cho của nả cần có cho cuộc sống người chết ở cõi âm. Về việc này người Mường làm khác, họ chia của cho người chết, đem để ở ngoài mả: gạo nước, nồi niêu, xoong chảo… Họ còn chia cho người chết gà lợn sống đem thả ngoài mả cho chúng thành thú rừng. Người Mường làm nhà mồ khá công phu. Mồ mả của người Kinh lúc hung táng đơn giản lấy “đào sâu chôn chặt” là chính. Chôn sau ba bốn năm, người Kinh lại cải táng, thay mả. Người Mường chôn xong là xong, không cải táng như người Kinh.
Do hoàn cảnh sống khác nhau nên phong tục khác nhau. Người Kinh ở vùng ngoài làm vàng hương để cúng tế. Vàng hương của người Mường khác vàng, hương của người Kinh. Hương không xe bằng thuốc thành các que, các vòng mà người ta dùng than một loại gỗ có mùi thơm khi cháy. Khi cúng đốt dăm bảy cục than trong bát để có khói thơm tỏa đi bốn phương báo các thần, các ma biết mà về dự tiệc. Vàng làm bằng gỗ chảu chẻ nhỏ như ngón tay bó thành từng bó đặt trên bàn thờ, bàn cúng cạnh cơi trầu, bát nước lã và đồ lễ khác…
Tín ngưỡng nói chung, tín ngưỡng gia tiên nói riêng đã giúp cho người Việt và người Mường sống có đạo đức hơn, biết nhớ về tổ tiên, biết ăn quả nhớ người trồng cây, nhờ vậy mà đạo đức được vun trồng. Nhưng ý nghĩa tích cực hơn là nhờ có tín ngưỡng ấy mà dân ta yêu cuộc sống hơn vì bản chất của tín ngưỡng là cầu mong sự phù hộ che chở của các hồn, các ma cho người đang sống được khỏe mạnh, sống lâu, an khang thịnh vượng.