Liên quan đến việc công an vừa bắt giữ một số người có hành vi thành lập 3 công ty chuyên phát tán tin nhắn lừa đảo (gọi tắt là CP) đến các thuê bao di động, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng với số tiền ăn chia với các nhà mạng theo tỉ lệ 45%-55%, đại diện 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và Vinaphone cùng cho rằng không thể kiểm soát được toàn bộ nội dung tin nhắn dạng lừa đảo.
Mọc như nấm
Giám đốc Viettel Telecom, ông Nguyễn Minh Phương, cho biết: “Nhà mạng có tiến hành rà soát và khi phát hiện thì chặn nhưng loại tin nhắn lừa đảo này mọc lên như nấm, chặn chỗ này lại mọc chỗ kia” - ông Phương nói. Còn theo đại diện Vinaphone, từ năm 2013 đã chặn 2 trong 3 doanh nghiệp vừa bị công an bắt vì phát hiện họ gửi tin nhắn rác, còn 1 doanh nghiệp bị khóa một lần vì chưa đủ số lần vi phạm.
Khó quản đầu số 1900
Theo đại diện của MobiFone, hiện nay nở rộ đầu số 1900 thường gửi dạng tin nhắn lừa đảo “gọi cho e L.” đang có lỗ hổng quản lý nội dung. Ông này cho biết hiện đầu số này thường được cấp cho các doanh nghiệp lớn và các đơn vị này ký hợp tác với nhà mạng. Nhưng thực chất việc kinh doanh và nội dung tin nhắn lại do một đơn vị thứ ba thực hiện, vì thế các nhà mạng khó lòng kiểm soát được.
Theo đại diện của MobiFone, hiện nay nở rộ đầu số 1900 thường gửi dạng tin nhắn lừa đảo “gọi cho e L.” đang có lỗ hổng quản lý nội dung. Ông này cho biết hiện đầu số này thường được cấp cho các doanh nghiệp lớn và các đơn vị này ký hợp tác với nhà mạng. Nhưng thực chất việc kinh doanh và nội dung tin nhắn lại do một đơn vị thứ ba thực hiện, vì thế các nhà mạng khó lòng kiểm soát được.
“Quan điểm của nhà mạng là tái phạm nhiều lần sẽ khóa không cho cung cấp dịch vụ trong 1 năm. Song các CP lại lách luật, dừng mức tin nhắn rác dưới ngưỡng bị áp lệnh chặn. Từ năm 2014, Vinaphone không chặn được đầu số nào vì họ dùng sim của nhà mạng khác để nhắn đến khách hàng của Vinaphone” - đại diện Vinaphone nói.
Đại diện của MobiFone cũng cho biết phải quy ước số mức giới hạn tối đa để khóa 1 sim phát hành tin nhắn rác. Tuy nhiên, theo ông này, tin nhắn lừa đảo chủ yếu hiện nay là về dự báo xổ số theo kiểu “biết 1 cặp lô tối nay sẽ trúng”... Nhưng thực tế, các đầu số này nằm trong nhóm được cung cấp dịch vụ đầu số liên quan đến vấn đề xổ số nên nhà mạng cũng khó xử lý vì họ lại biện bạch là “chúng em có thuật toán riêng”.
Để kiểm soát nội dung tin nhắn, theo đại diện các nhà mạng, cách duy nhất là ngồi đọc hàng triệu tin nhắn quảng cáo trước khi gửi đến khách hàng. Tuy nhiên, điều này không khả thi. Còn theo đại diện MobiFone, có thể kiểm soát tin nhắn quảng cáo bằng cách chặn 1 số điện thoại nhắn quá nhiều tin trong một khoảng thời gian nhất định; cứ có từ 3 khách hàng phản ánh nhận được tin nhắn rác là lập tức nhà mạng không ăn chia với CP và hoàn trả đủ tiền bị lừa cho khách hàng.
Về tỉ lệ ăn chia lớn mà nhà mạng làm ngơ, đại diện MobiFone khẳng định không có chuyện đó: “Công ty cung cấp tin nhắn lừa đảo vừa bị bắt chỉ thu về 20 tỉ đồng thì nhà mạng được chia số tiền là bao so với tổng doanh thu của chúng tôi mà lại làm mất uy tín với khách hàng”.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần vào cuộc
Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50 - Công an TP Hà Nội), cho biết trong vụ lừa đảo lần này, các nhà mạng phải chịu trách nhiệm vì tiền chiếm đoạt trong đó họ cũng được hưởng với tỉ lệ khá cao. “Chúng tôi kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp quản lý để nhà mạng phải có trách nhiệm. Nếu cứ như hiện nay thì thiệt hại sẽ dồn về phía người tiêu dùng” - đại tá Lê Hồng Sơn nói.
Đồng tình, TS - luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, cho biết theo Nghị định 90/2008 về chống thư rác, các nhà mạng phải có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung tin nhắn. Đối với các tin nhắn vui chơi có thưởng, tải ứng dụng, phần mềm… đều phải kèm theo thông báo về loại hình dịch vụ và giá cước. Theo điều 39 tại nghị định này, nhà mạng có thể bị phạt tiền từ 10-80 triệu đồng đối với vi phạm các quy định về cung cấp dịch vụ tin nhắn quảng cáo.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mới nắm được thông tin phát giác một số công ty phát tán tin nhắn lừa đảo và sẽ yêu cầu cơ quan chức năng của bộ xác minh làm rõ.
Chuyên mục bảo vệ NTD của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com
Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com