Thời gian qua trên địa bàn Hà Nội nổi lên tình trạng người sử dụng điện thoại thông minh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại bằng thủ đoạn lừa cài ứng dụng có chức năng tự động nhắn tin ngầm. Khi người dùng vô tình chạm vào cài đặt thì các ứng dụng này sẽ tự động gửi tin nhắn ngầm với mức phí là 15.000đ.
Ham của lạ, 100.000 thuê bao bị trộm hơn 2 tỷ đồng
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao Công an Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ Trần Ngọc Hải (sinh năm 1985, trú tại 23 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chủ sở hữu trang web adrocket.vn), Hà Xuân Tiến (sinh năm 1991, thường trú Tân Sơn, Kim Bảng, Hà Nam), Nguyễn Đức Lực (sinh năm 1990, thường trú Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội), Nguyễn Văn Tú (thường trú Bình Kiều, Khoái Châu, Hưng Yên). Ba đối tượng Tiến, Lực, Tú đều ở tại 226 ngõ Quỳnh, Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội và là nhân viên Công ty TNHH Đầu tư, xây dựng & thương mại Soloha.
Trần Ngọc Hải phát triển hệ thống web adrocket.vn từ tháng 12/2013 với mục đích cung cấp công cụ chỉnh sửa ứng dụng di động để lừa đảo người dùng. Tú, Lực và Tiến đã cùng nhau tạo lập tài khoản “tiensoloha” trên trang web adrocket.vn, đồng thời bỏ ra khoảng 50 triệu đồng để đầu tư tiền thuê máy chủ, xây dựng các trang web soundfest.com.vn và clickdi.com và một số các trang web khác với mục đích dùng các trang này để phát tán ứng dụng đã qua chỉnh sửa bởi website adrocket.vn.
Khi người dùng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, ứng dụng sẽ tự động gửi tin nhắn đến một số đầu số dịch vụ với mức phí 15.000đ mà không thông báo cho chủ sở hữu thiết bị biết. Hoặc khi chủ thuê bao tải ứng dụng trên các trang web mà Lực, Tiến phát tán thì thiết bị di động sẽ tự động trừ tài khoản số tiền trên.
Với thủ đoạn lừa đảo trên, từ cuối năm 2013 đến nay, ổ nhóm này đã chiếm đoạt khoảng 2,1 tỷ đồng từ hơn 100.000 tài khoản thuê bao điện thoại trên cả nước. Riêng từ đầu năm 2014 đến thời điểm kiểm tra, Hải đã thu lợi 850 triệu đồng. Đối tượng này đã chuyển khoản cho Tiến và Lực số tiền 375 triệu đồng.
Cảnh giác trước các mời chào lạ
Dù đây là lần đầu tiên loại tội phạm chiếm đoạt tài sản trên smartphone kiểu này được Công an Hà Nội khám phá và bắt giữ nhưng từ lâu các chuyên gia bảo mật đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại đang ngày càng trở nên tinh vi và khó lường. Vì thế, người dùng cần thận trọng tối đa để tránh bị lừa và mất tiền oan ức cho những việc này.
Một đại diện của Viettel cho hay, khi nhận được những tin nhắn yêu cầu phải trả lời lại theo cấu trúc đã được “gài” sẵn, ví như gọi điện thoại vào đầu số có trong tin nhắn “gọi lại cho em vào số 19001095”, “thuê bao 19xxxxx tặng bạn bài hát, điện thoại vào số xxxxx để nghe”, hoặc “chúc mừng bạn đã lọt vào top 10 bình chọn bài hát yêu thích, hãy soạn tin TN xxxx gửi tới xxxx để nhận quà tặng...), người dùng không nên làm theo vì hầu hết những tin nhắn như vậy sẽ khiến bạn mất tiền một cách oan ức bởi đó là lừa đảo.
“Thậm chí, nếu nhận được tin nhắn từ tổng đài (với các đầu số 090, 099,…) thì tốt nhất nên gọi lên tổng đài để kiểm tra lại trước khi làm theo” – ông Nguyễn Thành, chuyên gia viễn thông cảnh báo. Những số tổng đài mà bạn có thể liên lạc khi khẩn cấp là, Mobifone (18001090), Vinaphone (18001091), Viettel (19008198)…
Các nhà mạng cũng khuyến cáo người dùng, để tránh bị lừa đảo, mất tiền ngoài ý muốn, người dùng smartphone nên tìm hiểu kỹ các quy định về giá cước và dịch vụ khi muốn sử dụng các dịch vụ qua tin nhắn SMS hoặc các ứng dụng được mời qua tin nhắn. Người dân cần cảnh giác, không nhắn tin phản hồi hoặc làm theo hướng dẫn đối với các tin nhắn không rõ nguồn gốc, có nội dung quảng cáo, mời chào hoặc mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
“Chỉ thị 04 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ngăn chặn tin rác, thư rác yêu cầu, đối với chương trình phần mềm cài đặt trên máy điện thoại có chức năng cho phép tải thông tin, dịch vụ (trò chơi, tỉ giá ngân hàng, thể thao, v.v…) nhưng có tính phí, DN phải niêm yết chính xác giá, cước; trước khi sử dụng chức năng cho phép tải thông tin, dịch vụ phải có thông tin cảnh báo về giá, cước, đồng thời phải cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí đã được đưa ra. Vì thế, nếu không thể đủ thông tin để xác định những nội dung trên, người dùng smartphone coi chừng đó là tin lừa đảo.
Ông Trịnh Tùng - chuyên gia an toàn thông tin