“Đặc sản” nón tre đan xứ Tuyên

(PLO) - Từ bao đời nay chiếc nón đã trở thành hình ảnh gắn bó với người phụ nữ Việt, trên dải đất hình chữ S này đã có nhiều làng nghề đan nón nổi tiếng như nón Chuông (Hà Nội), nón ngựa Phú Gia (Bình Định) hay làng nón Dạ Lê đất cố đô Huế mộng mơ… Khác với những chiếc nón truyền thống đan bằng lá nón, nón Minh Quang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đặc sắc ở chỗ được đan bằng tre.
“Đặc sản” nón tre đan xứ Tuyên

Đặc biệt hơn, vừa qua nón tre đan Minh Quang được chọn là một trong 2 sản phẩm được huyện Chiêm Hóa lựa chọn tham dự Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch” tỉnh Tuyên Quang. 

Nghề đan nón tre mới xuất hiện ở xã Minh Quang vào năm 2016, do bà Ma Thị Liền tự học và mang nghề về xã. Bà Liền cho biết bản thân bà học nghề chỉ mất có 3 ngày nhưng để làm được một chiếc nón tre như một tác phẩm nghệ thuật phục vụ khách du lịch thì có lẽ người thợ thủ công phải học cả đời, mỗi ngày hoàn thiện thêm một ít. Vì để đan hoàn chỉnh 1 sản phẩm nón tre mất rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ và kỳ công khác nhau như: vào rừng lựa tre, ngâm tre, chẻ lạt, đan thành nón, quét sơn, dầu bóng… Sự khéo léo, tinh tế của người thợ cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của sản phẩm.

Bà Liền bảo, nếu không thực sự yêu thích thì khó có thể theo được nghề này. Mỗi tháng bà Liền đan được từ 40 - 60 chiếc nón tre, mỗi sản phẩm tùy loại được bán ra thị trường với giá dao động từ 120 - 180 nghìn đồng. Tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, sản phẩm nón tre đã được nhiều du khách thích thú, lựa chọn làm quà lưu niệm. Bà Liền cũng đã dạy nghề cho nhiều chị em trong xã để có thêm thu nhập. 

Hiện ở xã Minh Quang đã có nhiều hộ gia đình chuyển nghề sản xuất nón tre đan. Với những tín hiệu tích cực đối với sự phát triển kinh tế cũng như tiềm năng quảng bá du lịch mà chiếc nón tre mang lại, xã đang tiến hành lập kế hoạch phát triển nghề đan nón tre để trình UBND huyện Chiêm Hóa. Với mong muốn đưa sản phẩm nón tre đan trở thành một trong những nghề chủ lực góp phần phát triển kinh tế của địa phương, xã cũng đang có kế hoạch thành lập hợp tác xã đan nón tre.

Tại cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch” của tỉnh Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa đã lựa chọn sản phẩm nón tre và đàn tính tham dự. Được biết, sau khi gửi sản phẩm đi dự thi, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã liên hệ trực tiếp với xã đặt nón tre đem đi tham dự triển lãm trong Chương trình “Ngày hội du lịch TP HCM - Khám phá hè 2018” tổ chức tại TP HCM vào trung tuần tháng 4 vừa qua.

Đọc thêm