Bước chân tới đầu ngõ nhà bà Doan thường thấy văng vẳng tiếng nói cười của mấy người đàn bà vọng ra từ sân nhà. Trong những người đó ta có thể dễ dàng nhận ra người phụ nữ có khuôn mặt trái xoan, má lúm đồng tiền rôm rả bàn tán về giá cả và chất lượng của sản phẩm nón lá.
Hoạt động thu mua nón lá được diễn ra tại nhà của chị Tạ Thị Doan |
Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống làm nón lá, vì vậy tình yêu cũng như đam mê với nghề đã có trong bà Doan từ rất sớm - 4 tuổi đã bắt đầu cùng bố mẹ phơi lá cọ, vuốt lá, tọc tạch từng mũi khâu... Trong suốt thời gian học cấp một ngoài giờ học trên trường, cô lại cùng tụi trẻ con trong làng túm tụm ở bờ giếng đầu làng cùng nhau làm nón.
Ngày ấy suy nghĩ thật đơn giản, việc rẽ lá, khâu nón, luồn quai... là để phụ giúp gia đình. “Niềm vui lớn nhất là mỗi khi hoàn thiện một số sản phẩm nhất định đem đi bán, khi ấy tôi sẽ được mẹ mua cho đôi dép hay cái áo mới, thế là hạnh phúc lắm rồi. Chứ ngày ý chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ gắn bó và phát triển cái nghề này”, bà Doan chia sẻ.
Năm học lớp 8, mẹ bà Doan chuyển từ nghệ nhân làm nón, sang hoạt động thu gom và kinh doanh sản phẩm, vì vậy bà cũng cùng mẹ tham gia vào công việc mới. Những ngày đầu hoạt động hoạt động thu gom gặp nhiều khó khăn, cô cùng mẹ rong ruổi trên khắp những con ngõ tại các xóm, đến nhà để lựa và trả giá.
Mới ban đầu do còn khá mới lạ, hoạt động thu gom chỉ thu được ít, một ngày trung bình chỉ được tầm 100 sản phẩm. Ngày ấy vốn bỏ ra để thu gom không có nhiều nên số lượng mua còn hạn chế, sau khi gom được phải móc nối với các tiểu thương lớn trong làng để tiêu thụ để lấy vốn xoay vòng. Không ít lần bị tiểu thương tìm mọi cách chê bai để ép giá.
Nón lá là sản phẩm thủ công mang tính chất mùa vụ. Do đó việc cân đối lượng cung – cầu giữa các thời điểm là yếu tố rất quan trọng đối với một nhà buôn. Những ngày mới hoạt động, do chưa có kinh nghiệm bà Doan cùng mẹ vướng vào nhiều sự cố. Có thời điểm thu mua tích trữ tới gần 1000 sản phẩm nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ do nhu cầu thị trường chững lại, lái buôn chèn ép.
Chiếc nón lá truyền thống của người dân làng Chuông |
Sau khi lập gia đình, bà Doan vẫn quyết định theo nghề buôn nón và được chồng ủng hộ. Thời điểm này, bà cũng đã có được kinh nghiệm trong công nghề buôn. Hầu hết các gia đình sản xuất đều là chỗ quen biết trong hoạt động thu mua. Khâu tiêu thụ không còn phải bán qua tay cho các tiểu thương mà cô trực tiếp tìm kiếm và móc nối được những nhà buôn lớn từ các tỉnh thành lớn về thu gom.
Có trong tay kinh nghiệm, mối tiêu thụ sản phẩm và số vốn khá... hoạt động buôn bán của cô dần một ổn định, mở rộng và có uy tín trong giới buôn nón. Không còn phải rong ruổi trên từng con ngõ trong những nắng gắt để thu mua, giờ đây các hộ gia đình và các tiểu thương chủ động đem sản phẩm đến tận nhà bà. Lượng hàng thu được không dừng lại ở một trăm, con số tăng lên tới vài trăm sản phẩm trên một ngày.
Gia đình bà không còn phải đem đổ buôn qua tay cho các nhà buôn lớn khác, hoạt động thu mua được các thương lái lớn từ các tỉnh chủ động đánh xe ô tô thu mua tận nơi với thời gian 1 tuần 1 lần. Hiện tại công việc thu gom giúp gia đình bà có thu nhập khá cao.
Sản phẩm nón lá sau khi được thu gom và phân loại |
Tính cho đến nay, đã hơn 40 năm bà Doan gắn bó với chiếc nón lá. Tình yêu dành cho nghề có lẽ chưa bao giờ thuyên giảm, mà nó có sự thay đổi mức độ theo dòng thời gian. Từ niềm vui của một đứa trẻ khi chập chững học làm, đến khi say nghề khi thành một nghệ nhân làm nón, và đến hiện tại khi đã trở thành một chủ buôn lớn thì tình yêu của cô dành cho nón lá vẫn không ngừng.
Bà Doan nhận được nhiều tin yêu của người dân địa phương, được biết đến là một lái buôn có duyên, vui tính và có tâm. Không ít lần bà được mời tham gia vào ngày hội Festival giới thiệu và dạy nghề đối với các sản phẩm truyền thống của dân tộc. Những dịp như vậy là cơ hội để bà đem sản phẩm truyền thống của quê hương giới thiệu với bạn bè trên cả nước, trực tiếp truyền đạt lại cách thức làm nghề cho mọi người.
Mong muốn lớn nhất của bà là làm sao sản phẩm nón lá của quê hương có thể thuận lợi phủ sóng nhiều vùng miền của đất nước. Giá trị của chiếc nón lá được nâng cao để cải thiện thu nhập cho người dân, tránh tình trạng nhiều cá nhân bỏ nghề vì thu nhập quá thấp.