Đại hội đại biểu Đảng bộ Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII: Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế biển

(PLVN) - Ngày mai (24/9), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ chính thức khai mạc. Một trong những quan điểm, định hướng lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong nhiệm kỳ tới là tiếp tục phát triển mạnh kinh tế biển.
Mục tiêu lớn của Bà Rịa – Vũng Tàu là tiếp tục phát triển mạnh kinh tế biển.
Mục tiêu lớn của Bà Rịa – Vũng Tàu là tiếp tục phát triển mạnh kinh tế biển.

Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa VI xác định, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 có nhiệm vụ đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2015 - 2020 và xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đánh giá chung về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, theo báo cáo, được triển khai thực hiện trong bối cảnh đất nước và địa phương có nhiều thời cơ, thuận lợi.

Dòng vốn chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào trong tỉnh ngày càng tăng, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định. Đồng thời, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương đẩy mạnh toàn diện, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực.

Phiên chính thức của Đại hội sẽ diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/9. Trong hai ngày, Đại hội sẽ có những nội dung chính sau: Báo cáo kết quả đại hội phiên trù bị (23/9), tóm tắt Báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI.

Trình bày các dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII.

Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025; lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Tỉnh ủy khoá VII, nhiệm kỳ 2020-2025. Bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Kết quả qua 5 năm thực hiện nghị quyết, Đảng bộ tỉnh đã đạt được những thành quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cải cách hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Tuy nhiên Báo cáo cũng nhận định, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường.

Giá dầu liên tục giảm làm ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách tỉnh, hệ thống hạ tầng kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với các địa phương, khu công nghiệp trong khu vực, việc nạo vét luồng lạch, dịch vụ hậu cần cảng chậm đầu tư, phát triển chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư hạ tầng hạn chế.

Đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ thời điểm cuối năm 2019 đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Kiên trì với mô hình kinh tế bền vững

Thời gian qua, kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang được thúc đẩy phát triển mạnh trên cả 5 lĩnh vực: Công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Song song với đó là xây dựng mô hình kinh tế bền vững, kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, thu ngân sách nội địa vượt 1,8 lần so với thu từ dầu khí.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại phát triển mạnh mẽ; công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường từng bước chặt chẽ hơn, tương tác giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng gia tăng và hiệu quả…

Cảng Cái Mép, một trong những cảng biển quốc tế chiến lược.
 Cảng Cái Mép, một trong những cảng biển quốc tế chiến lược.

Cụ thể, hệ thống cảng biển có sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Dịch vụ hậu cần cảng được quan tâm đầu tư và đạt kết quả tích cực. Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để du lịch có nhiều chuyển biến, tạo được sức hút đối với các nhà đầu tư lớn.

Đó là việc phát triển thêm 53 tuyến du lịch và 15 sản phẩm du lịch mới, đưa vào khai thác một số dự án du lịch cao cấp. Trong đó, hành lang du lịch tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Bình Châu đang được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.

Ưu thế nữa là các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 22,1 tỷ USD (tăng 10,87%/năm), nhiều sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh ở các thị trường yêu cầu cao như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Cũng theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VI, các thành phố, huyện, thị xã được tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển. Đối với đô thị Vũng Tàu đã triển khai quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy các dự án chỉnh trang đô thị. 

Đối với đô thị Bà Rịa, là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh đang được tập trung đầu tư, xây dựng hoàn thiện dần các tiêu chí đô thị loại II. Ngoài ra, với các đô thị khác như Phú Mỹ, Long Hải… đều được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại, lấy du lịch, thương mại và bảo vệ môi trường làm trọng tâm trong quá trình phát triển.

Nhận diện “điểm nghẽn” để vượt qua

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại như: 7 chỉ tiêu kinh tế và môi trường chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa được như kỳ vọng, một số dự án công nghiệp lớn tiến độ còn chậm; mặc dù số lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển mặc dù đang tăng cao nhưng lượng hàng container mới đạt 53% công suất thiết kế cảng. 

Việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, nạo vét luồng lạch còn chậm, không gian cho dịch vụ logistics còn ít, chưa hình thành Trung tâm Kiểm tra chuyên ngành tập trung nên ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và hiệu quả của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Các cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp và sản phẩm du lịch có tăng nhưng chưa nhiều; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; việc triển khai một số dự án du lịch trọng điểm còn chậm…

Giàn khoan dầu khí của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.
 Giàn khoan dầu khí của Liên doanh Việt  - Nga Vietsovpetro.

Trong lĩnh vực quản lý đất đai có tiến bộ nhưng khai thác chưa hiệu quả, tình trạng lấn chiếm đất công ở một số địa phương chưa được giải quyết triệt để… Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tiến độ triển khai, chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện ở nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp còn chậm; phát triển kinh tế tư nhân chưa đáp ứng yêu cầu. 

Theo đánh giá của Báo cáo, tình hình thế giới, khu vực theo dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường. Trong bối cảnh như vậy, một trong những định hướng lớn của nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Bà Rịa – Vũng Tàu là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh, bền vững.

Đồng thời tiếp tục phát triển mạnh kinh tế biển với 4 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, cảng biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh vững chắc.

Với mục tiêu tổng quát là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân, đích đến của Bà Rịa - Vũng Tàu là trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa phương đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người.

Tổng thu ngân sách trong 5 năm 2015-2020 của Bà Rịa- Vũng Tàu đạt 384.830 tỷ đồng (luôn đứng tốp đầu cả nước về đóng góp ngân sách quốc gia). Cơ cấu thay đổi theo hướng bền vững, tích cực, tỷ trọng thu nội địa vượt cao so với thu từ dầu khí.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Công nghiệp - xây dựng chiếm 58,66%, dịch vụ chiếm 29,36% và nông nghiệp chiếm 11,98%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8,36%/năm, cơ cấu có sự chuyển dịch mạnh từ công nghiệp khai thác sang công nghiệp chế biến, chế tạo (từ tỷ lệ 52% năm 2015 lên 87%). Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã nâng từ 33,5% lên 52,45%.

Đọc thêm