Thừa phát lại phát huy vai trò trong đời sống nhân dân Thủ đô

(PLO) - Chiều qua (28/11), Báo điện tử Pháp luật & Xã hội đã tổ chức giao lưu trực tuyến “Thừa phát lại (TPL) trong đời sống xã hội của nhân dân Thủ đô”. Các khách mời gồm Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng, Phó Trưởng Văn phòng TPL Hai Bà Trưng Phạm Anh Dũng đã tham gia giải đáp nhiều câu hỏi của độc giả.
Thừa phát lại phát huy vai trò trong  đời sống nhân dân Thủ đô

Mở đầu buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật & Xã hội Nguyễn Thái Bình nêu rõ năm 2013, trên cơ sở Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã quyết định mở rộng thí điểm mô hình TPL. Là một trong các địa phương thực hiện thí điểm, thành phố Hà Nội đã quan tâm, quyết liệt triển khai chế định này.  

Đến nay, các Văn phòng TPL sau khi được cấp phép đi vào hoạt động đều rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định vai trò cần thiết của mình trong đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ của TPL và khi nào nên sử dụng dịch vụ này, Báo Pháp luật & Xã hội tổ chức buổi Tọa đàm - Giao lưu trực tuyến với các khách mời trên Báo điện tử phapluatxahoi.vn.

Nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề, mâu thuẫn phát sinh trong thực tế đã được các độc giả gửi tới các khách mời. Độc giả Mai Lan (Đống Đa, Hà Nội) thắc mắc vợ chồng chị chuẩn bị ly hôn, tài sản chung là một căn nhà đã được hai vợ chồng thỏa thuận lập vi bằng để lại cho hai con chung nhưng trước khi mở phiên tòa thì chồng lại thay đổi ý định muốn chia đôi căn nhà. Chị không rõ vi bằng của TPL đã lập có giúp gì được cho mình trong việc bảo vệ quyền và tài sản cho hai con không? 

Về vấn đề này, Phó trưởng Văn phòng TPL Hai Bà Trưng Phạm Anh Dũng giải thích rõ, thứ nhất phải hiểu khi đã thỏa thuận lập vi bằng thì không có tranh chấp xảy ra thì không thể dùng từ mở phiên tòa. Thứ hai, vi bằng chỉ bị hủy do vi phạm văn bản quy phạm pháp luật về chế định TPL hoặc tất cả những người có tên trong vi bằng đồng ý theo ý định của người chồng hoặc TAND không coi đây là nguồn chứng cứ để xem xét khi giải quyết và tuyên hủy vi bằng thì lúc này vi bằng mới không còn giá trị. Vậy từ căn cứ trên, tuy người chồng có ý định thay đổi thì bản chất và giá trị của vi bằng vẫn không thay đổi như viện dẫn trên. 

Một độc giả khác băn khoăn không biết TPL có giúp được gì khi bản thân đang muốn mua đất xen kẹt trong khu dân cư để làm nhà ở nhưng chưa có sổ đỏ nên không thể đến phòng công chứng để làm hợp đồng chuyển nhượng. Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng cho biết, đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đồng nghĩa với việc Nhà nước chưa công nhận quyền của người đang sử dụng đất, người đó chưa có quyền mua bán, chuyển nhượng nên Công chứng viên không thể chứng nhận cho hành vi chuyển nhượng đó. 

Tuy nhiên, TPL có thể lập vi bằng ghi nhận việc thương thuyết, thỏa thuận việc giao cho người sử dụng đất một khoản tiền cụ thể và cam kết với nhau khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hai bên sẽ làm thủ tục chuyển nhượng tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, vi bằng không thay thế văn bản công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng.

Với các câu trả lời kịp thời, chính xác từ các khách mời, có thể nói buổi giao lưu đã diễn ra vô cùng hiệu quả và là một hoạt động rất thiết thực, góp phần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về TPL tới người dân để họ hiểu và chủ động hơn trong việc sử dụng các dịch vụ của TPL. 

Đọc thêm