Tìm phương án bảo tồn phố cổ Bao Vinh

(PLVN) - Kể từ khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Quyết định quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) đến nay đã 16 năm, thế nhưng chính quyền địa phương đang còn loay hoay tìm phương án để bảo tồn khu phố cổ này.
Ông Phan Văn Tâm (80 tuổi), sống trong căn nhà cổ có tuổi đời trên 140 năm ở phố cổ Bao Vinh.
Ông Phan Văn Tâm (80 tuổi), sống trong căn nhà cổ có tuổi đời trên 140 năm ở phố cổ Bao Vinh.

Mất dần phố cổ

Phố cổ Bao Vinh từng được xem là khu thương mại quan trọng và sầm uất bậc nhất của xứ Đàng Trong. Những năm đầu thế kỷ XVII, các thương nhân người Hoa đã đến định cư, thành lập các phố buôn bán và sinh sống bằng các nghề như buôn muối, gạo, nước mắm, hải sản…

Lúc bấy giờ, buôn bán phát đạt làm lẫy lừng địa danh phố cổ Bao Vinh. Đến cả những thương nhân nước ngoài cũng đưa thuyền vào đây cập bến, trao đổi, buôn bán như Hồng Kông - Ma Cao (Trung Quốc), Nhật Bản, Ấn Độ…

Từng lừng lẫy như vậy, thế nhưng ngày nay khi về với phố cổ Bao Vinh, người ta chỉ còn cảm thấy tiếc nuối khi khu phố sầm uất một thời đã không còn mang dáng dấp của một khu phố cổ như tên gọi.

Nếu ngày trước, phố cổ Bao Vinh còn hàng chục ngôi nhà có tuổi đời từ 150 – 200 năm thì đến nay phần lớn đã, biến mất dần, chỉ còn khoảng 10- 15 ngôi nhà đang bị hư hỏng, xuống cấp nằm lọt thỏm giữa những nhà cao tầng. 

Ông Phan Văn Tâm (80 tuổi), sống trong căn nhà cổ có tuổi đời trên 140 năm ở phố cổ Bao Vinh cho biết, căn nhà cổ của gia đình ông hiện đã bị hư hỏng, xuống cấp nhiều do đã được xây dựng quá lâu. Để đảm bảo an toàn, hiện tại gia đình phải sửa chữa một số hạng mục của căn nhà để vừa làm chỗ ở, vừa bảo vệ căn nhà khỏi bị sập.

Đứng trước “ngõ cụt” về bảo tồn

Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Quyết định quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh. Theo dự định, những ngôi nhà cổ sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị kiến trúc nhà cổ truyền thống Huế cũng như đưa vào khai thác, phục vụ du lịch. Tuy nhiên, đã 16 năm nay, kể từ khi có quyết định thì đến nay việc quy hoạch và phát huy phố cổ vẫn còn nằm trên giấy.

Lãnh đạo UBND xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cho hay, nhiều năm qua chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân bảo tồn nhà cổ. Tuy nhiên, nhiều gia đình vì kinh tế khó khăn, không có điều kiện tu sửa trong khi những căn nhà cổ đang hư hỏng, chờ sập mà đành bán đi xây lại nhà kiểu mới.

Ông Nguyễn Ngọc Vân (người dân phố cổ Bao Vinh) chia sẻ, để khôi phục lại phố cổ Bao Vinh là vấn đề vô cùng khó khăn vì ngoài việc không có vốn thì chúng ta cũng chưa có một chiến lược cụ thể và quyết tâm cao. Chính quyền địa phương cần xem xét lại quyết định để điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ cho phù hợp với thực trạng và khả năng.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021, vấn đề quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh cũng được các đại biểu tranh luận rất sôi nổi. Ông Hoàng Hải Minh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, phê duyệt quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh đã có từ năm 2003, song sau 5 năm phải rà soát và điều chỉnh lại theo quy định. Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, phân khu phố cổ này được rà soát trong năm 2018 - 2019.

Về đề xuất giải pháp, hiện thị xã Hương Trà đang triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2019. Để tranh thủ ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý, KOICA đã nghiên cứu và đưa vấn đề này vào trong tổng thể dự án chung. Theo đó, các nhà truyền thống ở Bao Vinh sẽ được bảo tồn gắn với phát huy các nghề thủ công mỹ nghệ, có quy định hình thức, màu sắc phù hợp... để phát triển du lịch. 

Đọc thêm