Tình già

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi bước vào tuổi chớm già, con người lại bắt đầu thu vén lại. Thu vén mối quan hệ, công việc, rong chơi...
"Em ơi có hoa nào không tàn, có tình nào không phai, như tình anh với em" ( Tà áo xanh - Đoàn Chuẩn - Từ Linh).
"Em ơi có hoa nào không tàn, có tình nào không phai, như tình anh với em" ( Tà áo xanh - Đoàn Chuẩn - Từ Linh).

Bạn tôi hay nói: Chơi vậy đủ rồi! Bạn ở Tuy Hòa, bước sang tuổi 40, nhưng hay than mình già. Nói rằng bây giờ ngại đi chơi, cà phê, ăn nhậu, pub… chỉ thích tự pha đồ uống, ăn sáng tự nấu, ở nhà thu mình đọc sách, chăm sóc con cái…

Tôi nói với bạn suy nghĩ như vậy là “nghỉ hưu sớm”. Nhiều người đang độ tuổi đó vẫn làm việc hăng say và rong chơi như thời tuổi trẻ.

Đúng là mỗi người một cách nghĩ, nhưng tuổi tác ảnh hưởng nhiều đến cảm giác sống của con người. Sự sôi nổi của thanh xuân phải dành chỗ cho đằm thắm khi bước sang tuổi trung niên.

Bước sang tuổi 40, ta nhìn lại mình có gì trong tay: hôn nhân, con cái, nhà cửa, sự nghiệp... Đó là một dấu mốc quan trọng, nó không còn bay bổng như thời thanh xuân.

Roger Federer, tay vợt huyền thoại vừa kết thúc sự nghiệp ở tuổi 41. Tuổi này với đời người, đó chỉ là tuổi trung niên, chưa phải là già, nhưng với những người chơi thể thao đó là “tuổi nghỉ hưu”, tuổi già của thể thao. Anh đã khóc sau một sự nghiệp vinh quang.

Nên chuyện tuổi tác, già hay trẻ đôi khi chỉ là quan niệm sống hay vấn đề thời gian. Người có tuổi già thật như 70 hay 80 thì cho rằng “tôi còn phong độ lắm, còn yêu là còn vui”, còn người bước sang 40 lại thấy mỏi mệt, thấy già cỗi, muốn thu mình, làm bạn với cây cỏ, lánh xa mọi thứ phù phiếm.

Nhớ cụ Phan Khôi, viết “Tình già” được nhắc đến đầu tiên trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, một thể thơ mới bắt đầu cho sự bùng nổ của văn chương nước nhà sau biết bao thế kỷ trầm luân trong quy ước của văn chương cũ.

“… Một ngày kia cuộc cách mệnh về thi ca đã nhóm dậy. Ngày ấy là ngày 10/3/1932. Lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ đã hiện ra một lỗ thủng. Ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận. Ông tự giới thiệu: “Trước kia, ít ra trong một năm tôi cũng có được năm bảy bài, hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng chữ Nôm; mà năm, bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều là năm bảy bài nghe được”.

Ấy thế mà ông kết án thơ cũ. Thơ cốt chơn. Thơ cũ bị câu thúc quá nên mất chơn. Bởi vậy, ông bày ra một lối thơ “đem ý thật có trong tâm khảm mình, tả ra bằng những câu có vần, mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết” và tạm mệnh danh là thơ mới” (Thi nhân Việt Nam, 1942).

Đó là lúc Phan Khôi công bố bài thơ Tình già”.

Cái tình già của hai cái đầu bạc, nhớ thương nhau trong đêm mưa gió thật là tình, rạo rực, nhớ nhung, e ấp quá.

“… Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng. Mà tính việc thủy chung? Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau... Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được. Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi. Con mắt còn có đuôi”. (Tình già).

Nên cái rạo rực cảm xúc của tuổi trẻ thì tuổi nào cũng có, quan trọng là không gian để vỗ về nhau.

Cuộc sống bây giờ gấp gáp hơn, lo lắng nhiều, chật chội, nên nhiều người đang trẻ mà suy nghĩ già quá. Trẻ con cũng phát ngôn già, thiếu đi hồn nhiên thơ dại, tuổi học đại học thì đã toan tính chuyện làm giàu, kết hôn, công việc… nên ít thời gian để thở, để vui chơi, du lịch…cái guồng quay đó khiến người trẻ bận rộn và già đi nhanh quá. Nên bạn bè sau đại học gặp nhau thường râm ran: bữa gặp lại các bạn cũ, đứa nào cũng thành đạt, nhưng nhìn già dặn lắm, không còn xốc nổi nữa.

Như một vòng quay tròn, người đã có tuổi thích tìm về tuổi trẻ, tìm lại sự hưởng thụ mà mình đã đi qua như giấc mơ hồi niệm. Người đang trẻ thích làm cho mình già đi với vòng quay công việc. Đó là một vòng quay trớ trêu.

Rồi trong vòng quay đó, có người nhận ra “mệt quá thân ta này, nằm xuống chiếc ghế nghỉ ngơi” (Trịnh Công Sơn) để tìm lại sự cân bằng, tìm lại chút hồn nhiên. Đó là quãng thời gian cân bằng lại hành trình ta đã đi...