Thói quen lập di chúc được duy trì đến ngày nay. Tuy nhiên, quyền sở hữu tư nhân về tài sản trong luật hiện hành mang tính chất cá nhân chứ không phải tính chất gia đình như trước. Bởi vậy, việc cha mẹ lập di chúc chung trong khung cảnh luật hiện hành phải được hiểu khác trước về bản chất.
Đó không phải là việc cha mẹ cùng nhau phân định tài sản của gia đình cho con cái. Suy cho cùng, đó phải được ghi nhận như là việc cha và mẹ, mỗi người có tư cách chủ sở hữu của riêng mình, kết hợp trong việc định đoạt tài sản sau khi chết bằng cách thể hiện ý chí cùng một lúc, trong cùng một văn bản.
Nói cách khác, di chúc gọi là chung của vợ chồng ngày nay có thể được coi là hai di chúc của hai chủ thể, được ghi nhận trong cùng một bản viết và được điều chỉnh theo luật chung về di chúc, cũng như theo luật chung về thực hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu. Người lập di chúc chung có tất cả các quyền dành cho người lập di chúc, bao gồm quyền sửa đổi nội dung di chúc.
Tuy nhiên, trong trường hợp di chúc chung của vợ chồng định đoạt tài sản chung thì việc sửa đổi tất nhiên phải được sự đồng thuận của vợ chồng, theo đúng nguyên tắc nhất trí trong quản lý tài sản chung, được thiết lập trong luật chung về quyền sở hữu.
Hiểu theo cách đó thì việc xây dựng một quy định đặc thù về di chúc chung là không cần thiết. Việc bỏ quy định về di chúc chung trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) hoàn toàn không có nghĩa là luật mới sẽ không thừa nhận giá trị của di chúc chung. Đơn giản, di chúc chung của vợ chồng, theo tinh thần Dự thảo, hoàn toàn có thể được điều chỉnh bởi luật chung về di chúc.
Thậm chí, với quan niệm như trên về bản chất của di chúc chung thì vợ chồng có thể đưa vào di chúc viết chung các nội dung định đoạt liên quan đến tài sản riêng của mỗi người. Mặt khác, di chúc chung của vợ chồng vẫn không bị mất giá trị trong trường hợp vợ chồng ly hôn mà không sửa di chúc trước khi một người chết.
Và điều chắc chắn là khi một người lập di chúc chung chết thì phần di chúc do người đó lập sẽ phát sinh hiệu lực. Người còn lại vẫn có quyền sửa đổi phần di chúc của mình. Quan niệm mới về di chúc chung cho phép có được điều này mà không cần có một quy định đặc thù về hiệu lực của di chúc chung như trong BLDS năm 2005.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh