Tỉnh táo để trao yêu thương!

(PLVN) - Đó là lời khuyên cho những người có tấm lòng trắc ẩn. Bởi không phải vô cớ mà những kẻ trục lợi từ thiện có thể hoành hành ngang nhiên, nhan nhản như thế. Tiếp tay cho họ một cách vô tình chính là những người có tình người, có lòng trắc ẩn nhưng đặt niềm tin sai chỗ.
Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội "tuồn" hàng từ thiện ra ngoài.
Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội "tuồn" hàng từ thiện ra ngoài.

Mặc dù gia cảnh không mấy khá giả, là một người mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, nhưng khi đọc được tình trạng về một cậu bé bị ung thư có tình cảnh hết sức bi thảm trên mạng, chị Nguyễn Kim Lê Thoa, nhân viên kế toán, ngụ quận Tân Phú cũng trích lương của mình ra gửi 2 triệu cho cậu bé nói trên.

Gửi tiền đi một thời gian dài, chị theo dõi tình trạng cậu bé và được biết bệnh không có gì tiến triển, gia đình vẫn tiếp tục kêu gọi giúp đỡ. Sau một thời gian, chị Thoa nghe những thông tin đáng tin cậy “bóc phốt” gia đình cậu bé, nói rằng bệnh của em không được chữa trị, gia đình chỉ để đó nhận tiền từ thiện. Chị Thoa biết chuyện, rất tiếc cho số tiền 1/5 lương tháng của mình gửi đi không đúng chỗ.

Chị Thoa không phải là trường hợp hiếm hoi mất tiền vào tay những trường hợp có vẻ ngoài thương tâm nhưng bên trong là trục lợi. Giờ đây, những người lập nhóm làm từ thiện mà thực chất kiếm tiền, những người lập facebook giả mạo để kêu gọi giúp đỡ là không hiếm.

Điều đáng nói là cuộc sống bận rộn, nhiều người chỉ cần động lòng trắc ẩn là lập tức chuyển tiền giúp đỡ, không kiểm chứng thông tin, cũng không tìm hiểu thực hư. Chính sự “rộng lòng” bất chấp này đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo kiếm lợi, đồng thời những người có hoàn cảnh khó khăn ỉ lại vào sự giúp đỡ chứ không tự thân vận động.

Một nữ nghệ sĩ kể, khi chị vào bệnh viện thăm bệnh, giường bên có người vợ nuôi chồng bệnh nặng, nằm lâu dài nhưng chi tiêu rất thoải mái dù không khá giả gì. Khi hỏi sao không tiết kiệm tiền để chống chọi bệnh lâu dài, chị vợ trả lời: “Hết tiền lên kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ!”.

Không ít người, chỉ cần lập ra một trang cá nhân trên mạng xã hội, giả làm nhà từ thiện, hoặc mượn hình ảnh người khác để giả nghèo, giả bệnh, kết bạn khắp nơi và đăng tin xin giúp đỡ, thế mà nhiều người không quen biết, không có thông tin gì vẫn động lòng trắc ẩn và sẵn tay chuyển tiền giúp đỡ. Người một vài trăm, vài triệu, số tiền mỗi người không quá lớn, nhưng đối tượng lừa đảo nhận được thì không nhỏ chút nào.

Có lòng nhân ái, mong muốn làm việc thiện nguyện là điều hoàn toàn tốt đẹp. Nhưng nếu như làm từ thiện kiểu phong trào, “nhắm mắt mà làm” thì vừa tổn hại đến túi tiền của mình, vừa tạo điều kiện cho người khác lừa đảo, kiếm sống bằng những đồng tiền bất lương. Làm từ thiện hay làm bất cứ chuyện gì, cũng cần đến sự sáng suốt là thế.

Đọc thêm