Tỉnh táo vay tiêu dùng cuối năm

(PLVN) - Càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm tiêu dùng đón Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán lại càng tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu này, hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi về lãi suất đang được các công ty tài chính, ngân hàng, thậm chí “vay tiêu dùng cột điện”... ồ ạt triển khai. 
Ngân hàng “cột điện” vào mùa hút khách. Ảnh minh họa nguồn Internet

Mùa cho vay... “nở rộ”

Đón đầu nhu cầu mua sắm tăng mạnh dịp cuối năm, các công ty tài chính và ngân hàng đã đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, với thời gian kéo dài, phạm vi áp dụng rộng rãi, điều kiện đơn giản... nhằm hút khách hàng vào thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm từ tháng 10 đến cận Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm sẽ tăng lên từ 70-80%. Bên cạnh nhu cầu vay vốn cho mua sắm Tết, nhiều người dân còn có nhu cầu vay vốn để mua ô tô, sửa chữa nhà cửa...

Theo tìm hiểu của PV, hiện các ngân hàng đang đưa ra các mức hỗ trợ khá hấp dẫn, có ngân hàng hỗ trợ lên đến 80% giá trị khoản vay, thời gian vay tối đa 8 năm và được lựa chọn một trong các mức lãi suất: 6,9%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên, lãi suất cố định 7,9%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên; lãi suất cố định 8,9%/năm cố định trong 12 tháng đầu tiên…

Đặc biệt giải ngân chỉ trong 4 giờ đồng hồ sau khi hồ sơ được phê duyệt. Có ngân hàng khác thì triển khai chương trình ưu đãi lớn dành riêng cho chủ thẻ, đó là giảm ngay 500.000 đồng khi mua hàng tại một hệ thống siêu thị điện máy và ưu đãi trả góp với lãi suất 0%… 

Trong khi đó, tại các cửa hàng điện thoại, máy tính, trung tâm điện máy, cửa hàng xe máy… lại là lãnh địa của các công ty tài chính tiêu dùng. Hầu hết các công ty này đều đưa ra chương trình lãi suất 0% hoặc trả góp 0 đồng. Theo đó, khách hàng có thể được hưởng lãi suất 0% trong vòng 3 - 6 tháng đầu, hoặc có thể lựa chọn mức trả trước 0 đồng.

Không chỉ vậy, hàng loạt sàn cho vay ngang hàng (P2P) như Tima, Fiin, Mofin… gần đây cũng phát triển khá mạnh. Lãi vay của các cá nhân tham gia trên sàn P2P tự thỏa thuận và dao động khoảng 7 - 10%/tháng.

Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay có một số cá nhân, tổ chức cũng lợi dụng nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao của người dân để hoạt động cho vay mà không có sự kiểm định của cơ quan chức năng nào với những lời chào mời tràn ngập trên internet, các trang mạng xã hội như: Cho vay nhanh từ 10-70 triệu đồng, thủ tục đơn giản chỉ cần Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, Bảo hiểm y tế…; thủ tục đơn giản, giải ngân chỉ sau 15 phút, lãi suất thấp... Thậm chí, nợ xấu vẫn được hỗ trợ cho vay.

Cẩn trọng “bẫy tín dụng đen”

Vay tín dụng tiêu dùng là hình thức vay ngắn hạn, khách hàng không cần thế chấp tài sản mà chỉ cần chứng minh thu nhập là có thể vay. Các ngân hàng, công ty tài chính, đặc biệt là các hình thức biến tướng thường cho vay với lãi suất từ 20-60%/năm, người vay càng lâu thì lãi suất cũng sẽ theo đó tăng lên…Vì vậy, sẽ xuất hiện nhiều rủi ro nếu như khách hàng không nắm rõ quy tắc tính lãi suất cũng như các quy định trong hợp đồng cho vay.

Trên thực tế, để nhanh chóng “chốt” hợp đồng, một số nhân viên tín dụng thường tư vấn lãi suất mơ hồ, hời hợt trong khi khách hàng có nhu cầu, chỉ thấy mức lãi suất thích hợp nên sẵn sàng đồng ý. Thậm chí, nhiều trường hợp nhân viên tư vấn một đằng và hợp đồng ký kết một nẻo. 

Khi ký khách hàng không đọc kỹ nội dung hợp đồng và không nắm rõ hết những hệ lụy có thể xảy ra trong hợp đồng khi chỉ nghe họ tư vấn và ký, để phần điền hợp đồng cho tư vấn viên. Đến khi hợp đồng gửi về nhà mới biết thì không thể sửa chữa và cũng không thể khiếu nại vì đã đặt bút ký tên vào hợp đồng. Hơn nữa, nhân viên tư vấn thường đưa ra mức lãi suất theo ngày, tháng nên mức phí phải trả tương đối thấp, đến khi thanh toán khách hàng mới biết là mình bị dính bẫy.

Chị Nguyễn Trinh (Miếu Đầm, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đã tìm hiểu khoản vay tiêu dùng của một công ty tài chính, lúc mới nghe tư vấn thấy lãi cũng không cao, nhưng khi nhận phiếu nhắc nợ chị mới tá hỏa khi biết con số không nhỏ. Thực tế, khi chị trả xong khoản vay 20 triệu đồng trong 12 tháng thì tổng số tiền lên tới gần 30 triệu đồng (cả gốc và lãi), tức là tiền lãi lên tới phân nửa tiền vốn.

Do đó, khi đi vay, khách hàng phải tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay, hỏi rõ nhân viên tư vấn về các cơ chế lãi suất, ưu đãi và thời hạn trả nợ và đọc kỹ hợp đồng trước khi ký… tránh bị “mang bực vào thân”.

Đọc thêm