Ngày 18/10, Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Xi măng Miền Trung lại có đơn kêu cứu khẩn cấp đến nhiều nơi, đề nghị gỡ rối thực tế đang xảy ra lâu nay.
Doanh nghiệp khốn khổ sau sai phạm
Theo lá đơn do ông Lưu Vũ Cầm, Giám đốc Công ty cổ phần xi măng miền Trung đứng tên, đã 53 tháng nhà máy phải dừng hoạt động; 15 tháng kể từ ngày nhà máy hoàn thành việc khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường; 6 lần báo cáo đề nghị được vận hành thử nghiệm và tổ chức quan trắc môi trường theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Hiện hàng trăm người lao động bị mất việc làm, lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu, công ty không có tiền để trả nợ, bị một số ngân hàng và các nhà cung cấp khởi kiện ra tòa…
Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt - Dung Quất tiền thân là dự án Nhà máy nghiền Clinker Dung Quất, do Công ty CP Xây dựng, Vật liệu và Đầu tư Đại Việt (nay là Công ty CP xi măng miền Trung) làm chủ đầu tư, đóng tại Khu công nghiệp phía đông Dung Quất, thuộc Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Triển khai xây dựng từ tháng 8/2009, nhà máy hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 6/2012.
Tuy nhiên, vì nhà máy nằm sát khu dân cư đông đúc, tiếng ồn và khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nên dân nhiều lần tụ tập, dựng lều, lán trại trước cổng nhà máy, ngăn cản không cho phương tiện ra vào.
Đến tháng 5/2015, nhà máy chính thức ngưng hoạt động để cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết bị bảo vệ môi trường. Cũng từ đó đến nay nhà máy không hoạt động trở lại vì chưa được kiểm tra, đánh giá lại về môi trường, hoàn thiện các hệ thống phụ trợ.
Đầu năm 2018 đến nay, Văn phòng Chính phủ đã ba lần có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi và các ngành chức năng khẩn trương rà soát, xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc, để nhà máy sớm hoạt động trở lại.
Giữa 2018, Cục Bảo vệ Môi trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Sở TN&MT tỉnh cùng các cơ quan ban ngành kiểm tra, xác nhận nhà máy đã hoàn thành các biện pháp khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường, yêu cầu DN lập kế hoạch vận hành thử nghiệm toàn bộ hệ thống, thông báo đến cơ quan chức năng, tiến hành quan trắc môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền kiểm tra cấp giấy xác nhận theo quy định của pháp luật.
Nhà máy đã sáu lần vệ sinh thiết bị máy móc, lập kế hoạch vận hành thử nghiệm để hoàn thiện quan trắc môi trường, gửi báo cáo xin vận hành thử nghiệm đến UBND tỉnh và cơ quan chức năng. Nhưng nhà máy cho rằng không cơ quan nào đứng ra trả lời, chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm và hoàn thiện quan trắc môi trường.
Ngày 23/9, UBND Quảng Ngãi có Văn bản 5256/UBND-CNXD giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành giải quyết kiến nghị của công ty xin vận hành thử nghiệm để quan trắc môi trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở TN&MT đã ký Văn bản số 4419/STNMT-CCBVMT với nội dung: “Hiện Sở đang lấy ý kiến các cơ quan ban ngành để tham mưu UBND tỉnh về nội dung này.
Trong thời gian UBND tỉnh chưa có quyết định về phương án di dời các hộ dân và người dân thôn Tân Hy và Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn), chưa có sự đồng thuận về việc nhà máy vận hành trở lại, đề nghị không được tự ý vận hành thử nghiệm các công trình quản lý chất thải của nhà máy”.
|
Nhà máy đã bị một số ngân hàng và nhà cung cấp khởi kiện ra tòa. |
Nhà máy cho rằng vì ý kiến trên, nhà máy tiếp tục dừng hoạt động không thời hạn, vì hễ có dấu hiệu chuẩn bị chạy thử máy móc, người dân sống lân cận lại ra ngăn chặn không cho xe ra vào.
Dân cũng khổ không kém
Về phía người dân cho hay cực chẳng đã mới phải ngăn cản. Bà Nguyễn Thị Vân (thôn Sơn Trà) bức xúc: “Sống trong khu công nghiệp, đầy nhà máy với công trường, suốt ngày chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm từ không khí đến nguồn nước, âm thanh. Cách đây hơn hai tháng, trong khu Hòa Phát làm gì mà máy móc gầm rú suốt hai đêm ngày, lúc nào cũng ầm ầm như máy bay ném bom.
Rồi nước giếng nhiễm mặn, khói bụi, mùi hôi hóa chất. Điều chúng tôi cần nhất lúc này là tỉnh, huyện sớm xây dựng khu tái định cư để chúng tôi di dời, chứ không phải kéo ống dẫn nước, vận động suông “không bức xúc, không phản đối”. Trong khi nhu cầu chính đáng và bức thiết nhất là cần ổn định chỗ ở, an tâm phát triển sản xuất, lại chưa được giải quyết”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cho hay, hiện có hơn 2000 hộ dân hai thôn Tân Hy và Sơn Trà nằm trong khu vực quy hoạch Khu công nghiệp cần sớm di dời.
Hiện không chỉ Nhà máy Xi măng Đại Việt, mà Liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất và nhiều nhà máy trong Khu kinh tế Dung Quất đã và đang xây dựng ngay cạnh khu vực dân cư, nhiều nhà máy quy mô lớn đã đi vào hoạt động. Địa phương nhận thấy việc di dời dân không thể trì hoãn; nhằm hạn chế việc dân bức xúc vì ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, nước thải… đang ngày càng nghiêm trọng.
Trước đó, UBND tỉnh đã bố trí 36 tỷ đồng, di dời 107 hộ dân trong phạm vi 50m tính từ chân hàng rào nhà máy, đồng thời tiếp tục xây dựng lộ trình di dời 1.864 hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng, chia làm ba giai đoạn với tổng kinh phí khoảng 990 tỷ.
Song do nguồn vốn quá lớn, UBND tỉnh có Báo cáo 171/BC-UBND ngày 29/7/2019 gửi Chính phủ, trình phương án di dời gần 2.000 hộ dân sống gần các nhà máy, kiến nghị Thủ tướng bố trí 364 tỷ từ ngân sách trung ương để tỉnh lập phương án, lộ trình, kế hoạch di dời dân xung quanh các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng trong KCN Đông Dung Quất càng sớm càng tốt.
Còn có ý kiến đặt ra phải chăng mới đây hàng chục cán bộ Quảng Ngãi bị kỷ luật vì sai phạm vụ Nhà máy Xử lý rác thải MD tại Đức Phổ vi phạm nhiều quy định về bảo vệ môi trường, nên nay cơ quan chức năng tỉnh mới “e dè” như vậy?
Như PLVN đã thông tin, do khi xây dựng dự án MD, vì chủ đầu tư thông tin sai sự thật, chỉnh sửa báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); chính quyền địa phương xác nhận mà không kiểm tra; các sở, ngành liên quan cũng không thẩm định lại trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt;… nên Quảng Ngãi đã kỷ luật khiển trách và kiểm điểm 12 cán bộ lãnh đạo sở, ngành; 4 cán bộ, lãnh đạo cấp huyện.
Đối với ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở TN&MT, kỷ luật khiển trách. Kiểm điểm ông Nguyễn Đăng Lộc, PGĐ Sở KH&ĐT; Hồ Minh Hoa, nguyên Trưởng phòng; Nguyễn Văn Văn và Phạm Vỹ Lượng, chuyên viên (cùng thuộc Sở KH&ĐT); Nguyễn Phong và Phùng Minh Tuấn (GĐ và PGĐ Sở Xây dựng); chuyên viên Nguyễn Phi Khanh, Phó phòng Huỳnh Văn Viện, Trưởng phòng Phạm Quan Thuận (cùng thuộc Sở Xây dựng); bà Trần Thị Hạ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, chuyển công tác và khiển trách ông Trần Em, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch huyện Đức Phổ; kiểm điểm, chuyển công tác ông Nguyễn Duy Trinh, nguyên Chủ tịch xã Phổ Thạnh; kiểm điểm rút kinh nghiệm các ông Lê Thanh Tân, nguyên Phó Chủ tịch huyện Đức Phổ; Trần Ngọc Sang, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện; chuyển công tác ông Lê Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Thạnh.