Vụ án liên quan cựu Bí thư Bến Cát (Bình Dương): Luật sư đề nghị xem xét lại một số vấn đề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN có bài phản ánh, Công an Bình Dương vừa có Kết luận điều tra bổ sung 320/KLĐTBS-CSKT(P4) (KLĐTBS) tiếp tục đề nghị truy tố cựu Bí thư Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967), cho rằng ông Khanh đồng phạm giúp sức cho ông Nguyễn Huy Hùng (Giám đốc Chi nhánh một ngân hàng tại Tây Sài Gòn) và ông Nguyễn Quang Lộc (cán bộ ngân hàng) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” trong quá trình xử lý tài sản thế chấp.
Ông Khanh kêu oan từ khi bị khởi tố 8 năm trước đến nay. (Ảnh: Bùi Yên)
Ông Khanh kêu oan từ khi bị khởi tố 8 năm trước đến nay. (Ảnh: Bùi Yên)

Cho rằng ông Khanh bị oan sai, Luật sư (LS) Lê Minh Nhân (Đoàn LS TP HCM, bào chữa cho bị can Khanh) đề nghị cơ quan tố tụng xem xét lại một số chứng cứ trong hồ sơ vụ án.

Thứ nhất, trong quá trình điều tra, CQĐT xác định: “Cụ Hồ Thị Hiệp (người thế chấp đất tại ngân hàng, đã qua đời - PV) đến ngân hàng gặp ông Hùng, ông Lộc đề nghị tự bán một phần đất đang là tài sản đảm bảo để trả nợ và người mua là ông Khanh. Đồng thời, cụ Hiệp đề nghị chỉ trả cho ngân hàng nửa số tiền bán đất, còn lại sẽ giữ lại sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù đề nghị của cụ Hiệp là trái quy định nhưng ông Hùng, ông Lộc đồng ý...”.

“Ngày 14/12/2012 (lần bán đất đầu tiên - NV), cụ Hiệp lập tờ trình đề nghị ngân hàng cho bán phần tài sản thế chấp là 53.201m2. Ngày 16/12/2016, cụ Hiệp cùng ông Khanh, ông Lộc ký hợp đồng chuyển nhượng...”.

LS cho rằng, như vậy, trước khi cụ Hiệp có văn bản xin bán đất, cán bộ ngân hàng đồng ý cho bán; thì ông Khanh, cụ Hiệp đã gặp nhau thỏa thuận việc mua bán về diện tích, giá cả, phương thức thanh toán, thời gian đặt cọc, trách nhiệm của mỗi bên. Trong tờ trình xin bán đất, cụ Hiệp ghi rõ tên người mua đất là ông Khanh.

“Quá trình người bán xin ngân hàng và ngân hàng thẩm định, xử lý như thế nào, ông Khanh không biết và không buộc phải biết. Ông Khanh đi mua đất của cá nhân cụ Hiệp thì làm theo thỏa thuận với cụ Hiệp. Việc CQĐT cho rằng ông Khanh “thỏa thuận với ông Lộc, cụ Hiệp và biết rõ quá trình xử lý tài sản thế chấp không đúng nhưng vẫn đồng ý mua là đồng phạm giúp sức”, là chưa phù hợp”, LS đánh giá.

Thứ hai, theo LS, CQĐT cần xác định rõ trong 18 ha mà ông Khanh mua, có 5,6ha đất của bà Nguyễn Hiệp Hảo (con gái cụ Hiệp) có phải tài sản bảo đảm hay không? Vì KLĐT lần thứ nhất xác định cụ Hiệp đã giả chữ ký con gái để lấy tài sản này làm tài sản bảo đảm (ông Khanh sau đó mua 5,6ha này - NV).

LS nhận định: “Năm 2012, bà Hảo ký giấy ủy quyền cho phép cụ Hiệp bán tài sản để trả nợ. Như vậy, 5,6ha của bà Hảo không phải tài sản thế chấp hợp pháp, nên việc ông Khanh mua đất này không thể quy kết là tài sản thế chấp và xác định gây thiệt hại cho ngân hàng. Cần xác định 5,6ha đất của bà Hảo có phải là tài sản thế chấp hay không thì mới xác định việc mua bán có vi phạm pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm hay không?”.

Thứ ba, LS cho rằng, trước khi hết hạn điều tra 2 ngày (ngày 4/10/2023 là hết hạn điều tra - NV), thì ngày 2/10/2023, CQĐT ra quyết định trưng cầu giám định. “Tại sao quá trình điều tra từ 2022 và nhiều lần bị trả hồ sơ, CQĐT không đi giám định mà phải chờ khi gần hết thời hạn điều tra mới đi giám định khiến vụ án kéo dài thêm 6 tháng?”, LS nói.

Mất 6 tháng nhưng nội dung đề nghị giám định bị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương từ chối, xác định đó là nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, sự việc càng bị kéo dài. Và KLĐTBS cũng không nhắc đến vấn đề giám định này.

LS cho rằng nội dung KLĐTBS không khác nhiều so với KLĐT trước đây. Trong khi nội dung KLĐT trước đó được TAND Bình Dương xử sơ thẩm, sau đó bị TAND cấp cao hủy án, trả hồ sơ điều tra lại. “Tôi cho rằng những vấn đề trên cần phải làm rõ, tránh gây ra oan sai”, LS Nhân nói.

KLĐTBS còn cho rằng ông Khanh có hành vi cùng ông Nguyễn Trung Kiên (người mua trúng đấu giá một phần khu đất) điều chỉnh ranh, giao cho ông Nguyễn Thành Luân.

LS cho rằng cần xem xét lại kết luận trên. Vì đất ông Khanh và ông Kiên có ranh giới liền kề, ở giữa không còn thửa đất nào khác. Trên cơ sở đề nghị của ông Kiên điều chỉnh ranh, ông Khanh đồng ý và được cơ quan chức năng điều chỉnh lại sổ đỏ cho cả hai. Sau khi chỉnh ranh thì diện tích đất của ông Khanh bị giảm đi 3.388,8m2 so với trước, “nên kết luận ông Khanh vụ lợi là không hợp lý”.

Việc đo vẽ đất trước đây cho cụ Hiệp, được thực hiện bằng phương pháp xác định tọa độ vào năm 2002; tuy nhiên, CQĐT lại cho rằng “phương pháp đo vẽ thủ công có tọa độ giả định, hình thể mô phỏng”.

Đọc thêm