Tính toán hợp lý lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là bổ sung thuế tuyệt đối từ năm 2025 với một lộ trình tăng thuế hợp lý, mức tăng phù hợp, tránh tăng thuế đột ngột dẫn đến gia tăng thuốc lá lậu, gây bất ổn thị trường, nhằm tạo sự bền vững về công ăn việc làm, an sinh xã hội cũng như bảo đảm việc gia tăng thuế nộp ngân sách nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Cúc phát biểu tại một hội thảo do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. (Ảnh T.Oanh)
Bà Nguyễn Thị Cúc phát biểu tại một hội thảo do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. (Ảnh T.Oanh)

Giá thuốc lá còn quá thấp so với thu nhập

Trên thế giới hiện phổ biến 3 phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá, bao gồm cơ cấu thuế tương đối (theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán), cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hóa) và cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối).

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước có thể thấy, dù không có chính sách thuế nào là hoàn hảo và có thể đem áp dụng chung cho mọi quốc gia do đặc điểm, quy mô phát triển kinh tế và hành vi hút thuốc lá ở mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng một chính sách thuế theo thông lệ tốt nhất hoặc có hiệu quả phải bảo đảm được xem xét kỹ lưỡng về tác động và những ảnh hưởng của thuế suất hoặc việc cải cách cơ cấu thuế suất lên các bên liên quan khác nhau. Không những thế, sự thành công của một chính sách thuế đòi hỏi một cơ cấu hoàn thiện để tạo ra thêm nguồn thu ngân sách và điều tiết thay đổi hành vi người tiêu dùng theo hướng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng cao hơn, bảo vệ sức khỏe cho chính người dùng và cho cộng đồng.

Việc sửa đổi thuế TTĐB đối với thuốc lá là một phần nội dung của Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua thời gian tới. Tại buổi tập huấn “Cải cách thuế thuốc lá có giúp nâng cao phúc lợi hộ gia đình tại Việt Nam hay không?” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) tổ chức ngày 11/8, Nhóm nghiên cứu của VESS (PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS làm Trưởng nhóm) đã trình bày Báo cáo “Tác động của thuế thuốc lá đến phúc lợi đa chiều của hộ gia đình: Bằng chứng từ Việt Nam”. Qua rà soát, Nhóm nghiên cứu của VESS nhận thấy, các công cụ mà Nhà nước áp dụng hiện khá đầy đủ từ pháp luật đến các biện pháp đánh thuế. Tuy nhiên, giá thuốc lá trên thị trường Việt Nam còn quá thấp so với thu nhập, khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thuốc lá.

Thuế thuốc lá được tính trên giá xuất xưởng, khiến giá cuối cùng không quá cao dù tỷ lệ thuế tưởng chừng cao. Nghiên cứu cũng cung cấp bằng chứng định lượng cho thấy, giảm tỷ lệ chi tiêu thuốc lá giúp phúc lợi đa chiều bình quân của hộ gia đình được cải thiện. Đồng thời, giảm chi tiêu thuốc lá thì người thu nhập thấp được hưởng lợi hơn so với người thu nhập cao, đặc biệt trong dài hạn.

Phải có lộ trình và mục tiêu ưu tiên

Nhóm nghiên cứu của VESS kiến nghị, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên của mình là bảo vệ người tiêu dùng, nhất là người nghèo và các nhóm yếu thế. Như vậy, có thể làm giảm chi tiêu cho thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá với mức thuế đủ cao, dùng giá bán thuốc lá để làm căn cứ tính thuế thay vì giá xuất xưởng. Có biện pháp nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt là những người có thu nhập thấp về các tác hại của tiêu dùng thuốc lá tới việc giảm phúc lợi hộ gia đình.

Ngoài ra, trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế, cần thực hiện nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu, chi ngân sách và hướng tới theo kịp với chuẩn mực quốc tế. Đối với ngành công nghiệp thuốc lá, cần nêu rõ ràng quan điểm bảo vệ phúc lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thu nhập thấp để phản bác lại những lập luận của ngành công nghiệp về tính lũy thoái của thuế thuốc lá.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm ổn định sản xuất, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết.

Đọc thêm