Tổ hợp công trình xâm hại đê điều tại Hải Phòng: 'Hô biến' trang trại thành… khu du lịch

(PLVN) - Mặc dù liên tục bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì xây dựng hàng loạt các công trình trái phép trên diện tích 36.040 m2 đất bãi ngoài đê hữu sông Lạch Tray tại thôn Thuỷ Giang, xã Trường Thành (huyện An Lão, TP Hải Phòng), nhưng chủ đầu tư vẫn xâm hại đê điều, biến khu trang trại tổng hợp được cấp phép ban đầu thành “Khu du lịch sinh thái Trường Thành Farm”.
Hai trụ cổng kiên cố được xây dựng trong hành lang bảo vệ đê phía sông.
Hai trụ cổng kiên cố được xây dựng trong hành lang bảo vệ đê phía sông.

Huyện An Lão cho thuê đất giá 450 đồng/m2

Mười năm trước, ngày 23/6/2010, UBND huyện An Lão ban hành Quyết định số 601/QĐ-UBND về việc cho ông Trần Văn Quang (SN 1963, thôn Phương Chử Bắc, xã Trường Thành) thuê 36.040 m2 đất bãi ngoài đê hữu sông Lạch Tray tại thôn Thuỷ Giang xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Hai ngày sau, UBND huyện An Lão ký hợp đồng cho ông Quang thuê đất với thời gian 20 năm, đến tháng  6/2030, giá thuê 450 đồng/m2/năm. Để thuê hơn 36.000 m2 đất bãi sông, chủ đầu tư phải trả 16 triệu đồng/năm. 

Cùng thời gian đó, ông Quang được UBND xã Trường Thành ký hợp đồng cho thuê 1.843 m2 đất 5% (đất công ích của xã) với mục đích trồng cây và nuôi trồng thuỷ sản. Hợp đồng được ký thời hạn 5 năm và được ký nối tiếp đến 2020. 

Quyết định cho thuê đất của UBND huyện An Lão nêu rõ, ông Quang có trách nhiệm thực hiện đúng mục đích sử dụng đất, đúng vị trí sơ đồ thửa đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất theo Luật Đất đai; thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đê điều và Pháp lệnh phòng chống lụt bão; không xây dựng các công trình nhà ở, sinh hoạt hoặc phục vụ vào mục đích khác.

Việc xây dựng các công trình phục vụ trang trại tổng hợp của dự án phải được sự đồng ý phê duyệt của UBND huyện.

Sau khi được huyện và xã cho thuê đất, ông Quang trồng cây, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Cuối 2010, ông Quang hoàn thiện 2 dãy nhà chăn nuôi, 2 nhà trông coi, chuồng trại chăn nuôi gà, vịt. Năm 2011, ông Quang hoàn thiện 6 chòi hình lục lăng. Cuối 2014, một nhà trông coi 1 tầng được đưa vào sử dụng. Năm 2015, một căn nhà kiên cố tiếp tục mọc lên trên khu đất “trang trại chăn nuôi tổng hợp”. 

Từ 2016, ông Quang tiếp tục dựng các công trình để “hô biến” trang trại tổng hợp này thành một khu du lịch sinh thái. Tháng 1/2016, qua kiểm tra, Hạt quản lý đê điều An Lão - Kiến An phát hiện ông Quang phá dỡ nhà cũ, xây móng làm nhà mới trên diện tích móng cũ với kích thước 15x5m tại khu vực bãi sông tương ứng K13+550 trên tuyến đê hữu Lạch Tray.

Các công trình cách chân đê khoảng 40m, cách bờ sông 200m, vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng, đê điều. Chủ tịch UBND xã Trường Thành Nguyễn Duy Miện sau đó xử phạt ông Quang 2 triệu đồng, yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay các hoạt động xây dựng, tự tháo dỡ công trình, di dời giải tỏa vật liệu vật kiến trúc, hoàn trả mặt bằng bãi sông theo nguyên trạng. 

Thế nhưng năm 2018, từ dãy chuồng lợn cũ, ông Quang tiếp tục xây 4 nhà sàn trên bãi sông, trong đó có sàn bằng bê tông nổi trên mặt ao, 2 trụ cổng bằng gạch kiên cố trong hành lang bảo vệ đê phía sông, xây lại công trình chăn nuôi cũ, công trình phụ… Tại các thời điểm kiểm tra, ông Quang đều thừa nhận toàn bộ các hạng mục xây dựng chưa được cấp phép. 

“Cơn mưa” văn bản đã được Hạt quản lý Đê điều An Lão – Kiến An gửi tới UBND xã Trường Thành, UBND huyện An Lão kiến nghị xử lý tổ hợp công trình sai phạm này. Thế nhưng ông Quang chỉ bị phạt 15 triệu, sau khi ngày 26/6/2019, UBND huyện An Lão ra Quyết định xử phạt hành chính số 1623/QĐ-XPVPHC “do có hành vi phá dỡ chuồng trại chăn nuôi cũ; nâng cấp, sửa chữa, mở rộng công trình trên nền móng cũ, vi phạm Điều 22 Nghị định 104/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều”. 

Ai “bảo kê” cho những sai phạm nghiêm trọng này?

Như vậy, sau gần 10 năm liên tục vi phạm, “đại công trình” xâm hại đê điều nói trên chỉ bị xử phạt 17 triệu. Sau mỗi lần xử phạt, nhiều hạng mục “hoành tráng” hơn, kiên cố lại tiếp tục “mọc” lên. Trang trại chăn nuôi tổng hợp được “hô biến” thành “khu du lịch sinh thái Trường Thành Farm”. 

Dù chủ đầu tư không tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng những công trình nhà kiên cố nói trên cũng không bị tháo dỡ như nội dung của quyết định vi phạm hành chính UBND huyện An Lão đã ban hành.  

Tính đến đầu 2019, Trường Thành Farm đã bắt đầu đi vào hoạt động. Trên các trang mạng, Trường Thành Farm được quảng cáo “Khu vườn cổ tích trong mơ; có vườn cổ tích có thiết kế độc đáo, nhiều cảnh quan kiến trúc nghệ thuật như Làng chú Lùn hobbit, làng thổ dân da đỏ, những nhà sàn trên cây trong rừng, lầu vọng mang phong cách văn hoá của nhiều nước trên thế giới… Ngoài ra, nơi đây còn có khu vui chơi, trải nghiệm dành cho trẻ em, rộng rãi, thoáng mát với các dịch vụ ẩm thực, chèo thuyền, câu cá, đạp xe, cắm trại…”.

Hạt quản lý đê điều An Lão - Kiến An đã nhiều lần kiến nghị xử lý các công trình sai phạm của Trường Thành Farm.
 Hạt quản lý đê điều An Lão - Kiến An đã nhiều lần kiến nghị xử lý các công trình sai phạm của Trường Thành Farm. 

Dù đại công trình trên xâm hại đê điều, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng “khu du lịch” này đã đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan, vui chơi. Khách muốn vào phải mua vé tham quan, trẻ em là 50.000 đồng/lượt, người lớn 80.000 đồng/lượt.  

Trong khi những sai phạm của Trường Thành Farm chưa được xử lý dứt điểm, đến ngày 21/8/2019, Sở Du lịch Hải Phòng đã có Báo cáo số 95/BC-SDL gửi UBND TP Hải Phòng về việc triển khai thí điểm mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đối với khu sinh thái này.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguy cơ chỉ bằng 1 văn bản, một số cán bộ chức năng đã “hợp thức” cho sai phạm của Trường Thành Farm một cách ngoạn mục. Vậy ai đã “chống lưng” cho các sai phạm của Trường Thành Farm? Những sai phạm đó đã được “hợp thức” ra sao?

PLVN sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo sau.

Đọc thêm